Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Đám cưới quê

NGUYỄN THỊ LOAN -

Gần tết là mùa cưới, cứ mỗi lần đi ăn cưới về, mẹ tôi thường phàn nàn việc cưới thời nay thua xa thời trước. Cụ bảo: “Trước đây mỗi bận cưới xin phải lo sao giữ lấy “cái nếp” trang trọng, ấm cúng, dâu rể nhận thấy trách nhiệm về cuộc sống vợ chồng và mối quan hệ gia đình, họ hàng. Bây giờ thì...”.

Wedding-Backgrounds-Illustrator-03

Chẳng riêng mẹ tôi, xem ra nhiều người cũng có nỗi băn khoăn. Việc cưới, cỗ cưới bấy lâu nay ở nông thôn, miền núi ngày càng bung ra, thậm chí bị lạm dụng. Vợ chồng tôi có ngày nhận được bốn giấy mời (con của bạn thân bên chồng, bên vợ rồi các cháu trong gia tộc), thường gọi đùa là “phiếu ăn cơm giá cao”, hay “thiệp moi”…

Mặc dù không đến dự được hết (nhưng đều gửi chút quà mừng), vị chi tính cả tiền tàu xe, có đợt vợ chồng tôi chi ngót nửa triệu đồng mà chưa kể hàng tháng, tính sơ sơ cũng có ba, bốn đám cưới mời.

Ông hàng xóm của tôi phàn nàn rằng chỉ là chỗ quen biết sơ sơ thôi, cũng được ông nọ, bà kia “trân trọng kính mời”. Không đi thì ngại bị mang tiếng là ít giao lưu, quan hệ, hoặc ngại làm “xấu mặt người mời”. Ði thì phải có tiền. Người có thu nhập còn đỡ, nhiều người lương thấp mà cứ phải tiếp tục giao lưu theo kiểu như vậy thì mệt quá.

Ở quê tôi bây giờ nhà hàng mọc lên như nấm. Các chiêu cạnh tranh được khai thác triệt để, quảng cáo ồn ào. Vào mùa cưới, khách hàng phải đăng ký xếp hàng trước hàng tháng, nhất là những nhà hàng, khách sạn có thương hiệu. Người nhà quê nghe đến giá tiền mỗi mâm cỗ có giá bạc triệu, xót lắm. Nhiều đám “kỷ lục” với vài trăm mâm, chi phí tới hàng trăm triệu đồng. Ăn cỗ cưới thời nay, “uống nhiều hơn ăn”, “thưởng thức bằng mắt” là chính, nên hầu như cỗ các đám cưới đều dư thừa, lãng phí. Mỗi lần đi ăn cưới về, mẹ tôi lại chép miệng: “Nhiều người hiện còn đang thiếu đói, không có mà ăn, thấy thức ăn thừa thãi, lãng phí, mẹ nghĩ mà thấy tiếc quá”.

Cỗ cưới ngày càng đua theo mốt với các món ăn mới lạ. Số tiền mừng, vì thế, cứ nâng dần lên theo giá thị trường: 50.000 đồng rồi đến 100.000 đồng và 200.000 đồng, tiền triệu và rồi sẽ còn leo thang đến mức nào nữa đây?

Ðể được “bằng anh bằng chị”, nhiều gia đình thuộc diện nghèo, thậm chí không lo nổi việc học hành của con cái, nhưng khi cưới vợ, gả chồng cho con, cũng gắng “đầu tư” với năm, bảy chục mâm, chẳng chịu thua kém ai.

Có đám cưới con của một vài công chức địa phương và một số người có “máu mặt”, tuy không quy mô to như chốn thị thành, nhưng giờ cũng lên tới hàng trăm mâm. Nhà không có sân rộng thì có thể nhờ cả sân nhà hàng xóm, hoặc mời theo giờ để đón khách. Không kể các dịch vụ khác, có đám cưới còn thuê cả dịch vụ nấu ăn ở phố về.

Tuy vậy, hầu hết đều được gia đình tự lo khâu phục vụ “cho rẻ”. Chẳng biết có rẻ không nhưng do lượng khách mời nhiều mà nước nấu ăn uống vừa thiếu, vừa chưa sạch, nhà bếp thì nấu đại cho xong, hậu quả là có đám cưới quê xong, nhiều người dắt nhau vào bệnh viện vì tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm.

Ðược chứng kiến nhiều gia đình bố mẹ và con cái to tiếng trong việc đi “ăn cưới”, do tiền mừng cưới của con mà bố mẹ đã cầm chi rồi, giờ “cột” trách nhiệm cho con cái phải “đi trả nợ” dài dài. Còn được biết, nhiều bậc cha mẹ già vì thương con thiếu đói, đã phải gom góp, chắt bóp từng đồng mà nguồn thu duy nhất là con gà, mớ rau, thậm chí phải bán cả thóc, gạo để... lo cho việc cưới như kiểu “ăn trước trả sau”.

Khi đứa cháu lớn chuẩn bị lập gia đình, vợ chồng chú em tôi (cả hai đều là công chức ở tỉnh) mời mẹ cùng chú ruột và vợ chồng tôi ra chơi để bàn việc cưới hỏi cho cháu. Danh sách dự kiến mời khách dự cưới của vợ chồng chú em tôi, ngoài người thân “ba bề bốn bên”, cùng hai bên nội ngoại của bố mẹ, thông gia rồi khách cơ quan đoàn thể, bè bạn của vợ, của chồng, của con... lại còn bao nhiêu chỗ quan hệ, giao lưu khác mà dài dằng dặc, vị chi có đến bảy trăm người – tương ứng có chừng hơn một trăm mâm.

Mẹ tôi ngồi nghe rồi lên tiếng: “Không muốn là người bảo thủ, lạc hậu, nhưng theo mẹ thế này, những chỗ thật thân tình thì các con hãy mời. Người ở xa, già cả, đau yếu, thay cho việc mời, các con nên “báo hỷ” cho chu đáo”. Vợ chú em tôi chừng như còn băn khoăn: “Chúng con thấy khó quá, vì trước đây họ đã mời mình rồi, vả lại lo các cháu kẻo thua chị kém em”. Cuối cùng vợ chồng chú em nghe lời mẹ, tổ chức đám cưới cho con chừng mực lại vui vẻ, chú rể tương lai và cô dâu cũng cảm thấy ít áp lực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối