Thứ hai, Tháng Một 20, 2025

Đáng ngại bệnh viêm màng não mủ

THÙY DUNG -

Ở một số địa phương phía Bắc, do thời tiết nắng nóng kéo dài và độ ẩm cao nên số lượng bệnh nhi bị viêm màng não mủ nhập viện có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, người nhà bệnh nhi có xu hướng lạm dụng thuốc kháng sinh khiến cho triệu chứng của bệnh thay đổi, khó phát hiện hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Dễ để lại di chứng

Tại buổi thông báo ca lâm sàng viêm màng não mủ nặng biến chứng dày dính màng não diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 18-8, các bác sĩ khoa Nhi của bệnh viện cho hay, sau 52 ngày đêm cấp cứu, bệnh viện đã cứu sống được bé V., 8 tháng tuổi, ở Nam Định, bị viêm màng não mủ, và điều đáng mừng là không để lại di chứng. Theo các bác sĩ, người bị căn bệnh này nếu phát hiện muộn đều để lại di chứng.

Mẹ của bé V. không thể quên được gần hai tháng đằng đẵng theo con đến Hà Nội chữa bệnh. Chị kể, ban đầu bé có biểu hiện ho, sốt sau đó bị tiêu chảy nên gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ cho rằng bé bị tiêu chảy nên điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, sau chín ngày điều trị, bệnh tình của bé không đỡ nên gia đình chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhi được điều trị khỏi bệnh viêm màng não mủ tại Bệnh viện Bạch Mai.         Ảnh: Thu Huyền
Bệnh nhi được điều trị khỏi bệnh viêm màng não mủ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thu Huyền

Có mặt tại thời điểm bé V. được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Phạm Văn Hưng nhớ lại, bệnh nhi trong tình trạng sốt cao, khó thở, bỏ bú, tiêu chảy, cổ mềm. Từ những triệu chứng ấy, ban đầu bệnh viện cho rằng bệnh nhi bị viêm phổi. Tuy nhiên, các bác sĩ thấy bé lờ đờ, sau đó qua kết quả xét nghiệm chọc não tủy thì phát hiện bé bị viêm màng não mủ nặng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, cố vấn của khoa Nhi, bệnh viêm màng não mủ nếu phát hiện trong ba ngày đầu sau khi có biểu hiện thì điều trị rất đơn giản. Nếu phát hiện trong thời gian 3-7 ngày thì khả năng để lại di chứng rất cao. Còn nếu phát hiện muộn hơn thì chắc chắn sẽ có di chứng.

“Trường hợp bé V., gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khi đã phát bệnh được chín ngày, theo lý thuyết, chắc chắn sẽ để lại di chứng”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nói. Ông cho hay, các bác sĩ tại đây đã nỗ lực hết sức để vừa cứu sống bé mà không để lại di chứng.

Sau sáu tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã có nhiều tiến triển. Đến tuần thứ 7, bệnh nhân hồi phục. Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh táo, chơi đùa, đặc biệt là không có di chứng.

Tự ý dùng kháng sinh, càng nguy hơn!

Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như bé V. vì đã được chẩn đoán bệnh đúng và áp dụng các phương pháp điều trị hợp lý. Theo các bác sĩ khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, viêm màng não mủ, hay viêm màng não nhiễm khuẩn, là hiện tượng viêm của các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) do sự hiện diện của các vi khuẩn gây bệnh trong khoang dịch não tủy. Thời điểm nắng nóng hay lúc chuyển mùa như hiện nay dễ khiến trẻ mắc viêm màng não. Đây là bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động…

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hemophilus Influenza, não mô cầu và phế cầu gây nên. Riêng ở trẻ sơ sinh, các vi khuẩn như E.coli, Klebsiella, Pseudomonas cũng có khả năng gây bệnh. Bệnh này khó chẩn đoán, dễ nhầm với bệnh tiêu chảy, bệnh phổi và phải điều trị sớm, nếu không sẽ để lại di chứng.

Song, bác sĩ Dũng cho biết hiện nay do tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan nên việc chẩn đoán bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, theo ông, có đến 80-90% số trẻ nhập viện đã bị cha mẹ tự ý cho dùng kháng sinh trước đó mà không thông qua kê đơn của bác sĩ.

“Khi được hỏi vì sao lại dùng thuốc kháng sinh, nhiều bậc cha mẹ nói cứ dùng trước rồi tính tiếp. Đây là điều không thể chấp nhận được, rất nguy hiểm cho trẻ và đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày một trầm trọng”, bác sĩ Dũng nói.

Sử dụng kháng sinh vô tội vạ không chỉ khiến các bé bị lờn thuốc mà những biểu hiện ban đầu của bệnh cũng thường bị che khuất hoặc có thêm những triệu chứng phức tạp khó nhận biết, gây khó khăn cho điều trị, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác.

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay gần đây đã xuất hiện một số bệnh nhi bị viêm màng não mủ có triệu chứng ngược với bình thường khiến nhiều bệnh viện gặp khó khi chẩn đoán. Trong khi đó, chỉ sau một đến hai ngày phát bệnh, bệnh nhân đã có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn, khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo các bác sĩ, để phát hiện trẻ mắc viêm màng não, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần để ý các dấu hiệu sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… Biểu hiện này rất khó phân biệt với bệnh lý khác, do đó cần theo dõi sát sao và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị.

Để phòng tránh, các bác sĩ cho hay, cha mẹ không nên cho trẻ đi chơi ngoài nắng nóng, hạn chế thay đổi đột ngột môi trường nóng lạnh, không uống nước đá lạnh, không tắm gội nước lạnh khi còn nhiều mồ hôi, tiêm phòng vắc xin viêm não, tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín và rửa tay trước khi ăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối