Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Đăng tin giả mạo trên mạng có thể bị kiện

Theo ý kiến của các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia pháp lý, các loại tin giả mạo, tin đồn chưa qua kiểm chứng đang lan truyền với tốc độ nhanh trên mạng xã hội. Do đó, nhà quản lý cần thiết lập quy chế xử phạt đối với người đăng tin, phía đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TPHCM, trình bày tham luận tại hội thảo về quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: Chí Thịnh.

Gỡ bỏ tin giả mạo

Tại hội thảo góp ý kiến xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 13/12 tại TPHCM, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật hành chính của Đại học Luật TPHCM, nhận xét: “Các doanh nghiệp nếu bị thiệt hại bởi tin giả mạo trên mạng xã hội có thể thu thập chứng cứ để tiến hành kiện và yêu cầu bồi thường đối với cá nhân, tổ chức lan truyền tin thất thiệt đó. Phần chế tài, xử phạt này sẽ phải đưa vào các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, không thể đưa vào trong bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”.

Bà Dung cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải đưa ra chế tài đối với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, tức nơi đăng tải tin giả hoặc tin đồn. Ví dụ, nếu phát hiện tin giả mạo mà doanh nghiệp đã báo cụ thể cho nhà cung cấp dịch vụ thì trong vòng 24 giờ nơi đăng tải cần gỡ bỏ tin đó.

Hoặc trong thời gian kiểm tra thông tin đăng tải trên mạng xã hội, nhà cung cấp dịch vụ cần phong toả tin bị khiếu nại này, tránh tình trạng tin giả mạo lan truyền tới nhiều người. Nếu nhà cung cấp dịch vụ không tuân thủ thời gian xử lý, gỡ bỏ tin giả mạo dẫn đến thiệt hại cho cá nhân và doanh nghiệp thì phải có cơ chế xử phạt.

Ảnh: Internet

Các chuyên gia pháp lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá xã hội cũng cho rằng dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng cần đề cập tới trách nhiệm của người chia sẻ thông tin giả mạo hoặc tin đồn. Trên thực tế, có những tin đồn thất thiệt sau khi đăng tải trên mạng xã hội đã gây hậu quả nặng nề khi được quá nhiều người chia sẻ, đặc biệt là các tin giả mạo về chất lượng sản phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, loại thông tin nhạy cảm, chẳng hạn uống nước ngọt bị suy thận hoặc tử vong lại được chia sẻ rất nhiều. Chính những người lan truyền tin đồn này cũng phải chịu trách nhiệm khi chia sẻ tin tức chưa qua kiểm chứng hoặc dẫn lại đường dẫn từ các nguồn cung cấp tin không đảm bảo.

Nên tiếp cận nhẹ nhàng

Với xu hướng phát triển của Internet cùng với tiện ích của mạng di động đã tạo nên xu hướng tham gia chia sẻ, đăng tải thông tin trên mạng xã hội ngày nay. Cộng đồng người dùng trên mạng xã hội đang bị thu hút vào các mạng xã hội với số lượng đông đảo như Facebook, Zalo, Google+…

Trong hội thảo, các chuyên gia góp ý nên tiếp cận người sử dụng mạng xã hội một cách nhẹ nhàng, thông qua nhiều hình thức khuyến nghị, hướng dẫn… về cách thức hành xử trên mạng xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TPHCM, cho biết bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT đang xây dựng cũng giống như một luật chơi cần gắn với thực tế. Nếu làm được thì quy tắc ứng xử này sẽ tăng thêm hiệu quả khi triển khai.

Bà Hậu nói thêm, việc ra đời bộ quy tắc sẽ hướng tới việc điều chỉnh hành vi ứng xử trên mạng xã hội sao cho phù hợp, tạo ra môi trường giao tiếp tốt hơn. Không cần thiết phải đưa ra các quy định bắt buộc đối với người dùng, không nên nhìn mạng xã hội dưới góc nhìn tiêu cực… Còn việc xử phạt các hành vi giao tiếp trên mạng xã hội đã có các quy định pháp lý hiện hữu.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam cho rằng, việc triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thông qua các nhà cung cấp dịch vụ sẽ hiệu quả hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ nắm toàn bộ hạ tầng kết nối Internet, một số đơn vị quản lý nội dung đăng tải trên mạng xã hội.

Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS, do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện) cho thấy các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung vào những điều: nói xấu, phỉ báng chiếm tỷ lệ 61,7%; vu khống, bịa đặt chiếm 46,6%; kỳ thị dân tộc là 37,01%; kỳ thị giới tính chiếm khoảng 29,03%; kỳ thị khuyết tật là 21,76%; kỳ thị tôn giáo chiếm 15,09%…Việc đăng tải những thông tin kỳ thị, phỉ báng, bịa đặt thông tin… trên mạng xã hội là do người dùng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các mạng xã hội nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam.

Minh Chí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối