Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Dành cho ai thích cảm giác mạnh: đến Bali thăm nhà mồ làng Trunyan

(SGTTO) - Nghe câu chuyện làng đầu lâu bí ẩn do một người bạn ở Bali kể, tôi quyết tâm phải đến bằng được khi trở lại hòn đảo này.

Làng có tên Trunyan, nổi tiếng bởi tấm hình hàng chục chiếc đầu lâu chồng lên nhau dưới cây cổ thụ khổng lồ.

Làng Trunyan nằm trên đảo Bali, Indonesia, gần hồ núi lửa Batur, cách thị trấn Ubud khoảng 2,5 giờ đi xe. Để tới được Trunyan khá gian nan, đường rất hẹp và dốc dựng đứng, đòi hỏi tay lái phải đảm bảo. Vì vậy, chúng tôi thuê một xe riêng có tài xế tay lái “lụa”, đường xa ngoằn ngoèo nên cả đoàn chị em gái 15 người đều ngất ngây vì… say xe.

Trước cổng nhà mồ làng Trunyan, khung cảnh vẫn còn thơ mộng. Ảnh: Thảo Nhung

Tới gần làng, chúng tôi lên một chiếc thuyền nhỏ của người địa phương với giá thuê 1.200 rupiah/thuyền (khoảng 2 triệu đồng). Giá bình thường thấp hơn nhưng do chúng tôi đến đây vào chiều muộn, không còn tàu để đi theo bảng giá công bố ở bến tàu.

Cảnh từ bến tàu tới làng và nhà mồ Trunyan tuyệt đẹp. Xung quanh là rừng, núi lửa Batur hùng vĩ, nước hồ trong vắt và những thửa ruộng bậc thang xanh mát. Phải nói rằng khung cảnh khi ngồi thuyền là điều khiến tôi ấn tượng nhất trong chuyến khám phá.

Vừa bước tới nhà mồ làng Trunyan, các cô gái trong đoàn đã khiếp sợ bởi những đầu lâu xếp chồng cùng hai hình nhân bù nhìn đứng canh trước cổng mồ. Tôi vốn sợ ma nhưng cũng ráng bước vào chứng kiến cách chôn người chết bí ẩn.

Khu này có một cây cổ thụ cao tên là Taru Menyan. Ảnh: Hehersonbaun

Nhà mồ luôn có một người làng canh giữ. Người đàn ông canh nhà mồ nói tiếng Anh khá tốt kiêm luôn nhiệm vụ giải thích về tục lệ, truyền thống chôn cất của làng. Nhờ ông mà tôi có cảm giác an tâm hơn.

Đầu lâu trước cửa nhà mồ. Không phải ai cũng được chôn tại đây, mà chỉ có những người đã kết hôn, khi chết mới được đưa tới. Ảnh: Thảo Nhung

Khu này có một cây cổ thụ cao tên là Taru Menyan. Cây rất đặc biệt, có khả năng xua mùi xác chết, ngăn không cho côn trùng bâu vào tử thi. Quả thật là tới đây tôi không ngửi thấy mùi gì.

Người làng không có tục chôn người chết dưới đất. Khi tổ chức đám tang, họ đem xác tới đây đắp chiếu và quần áo, rồi che lại bởi 2 miếng mái lợp bằng tre hoặc dừa thành hình tam giác đơn sơ. Xác sẽ phơi dưới nắng, tự phân hủy.

Lúc tôi vừa đến đây thì thấy cảnh một tử thi đã phân hủy, xung quanh là rất nhiều xương người rải rác. Nếu theo tín ngưỡng chôn cất của người Việt Nam, đây là một điều kỳ lạ và có phần đáng sợ nhưng với người làng Trunyan lại bình thường. Không phải ai cũng được chôn tại đây, chỉ có những người đã kết hôn khi chết mới được đưa đến.

Tôi đã quay nhiều đoạn phim và chụp hình nhưng vì người trong đoàn quá sợ nên đã xoá đi, chỉ còn lại vài tấm hình.Tôi luôn bị thu hút bởi những tục lệ kỳ lạ trên thế giới,văn hóa độc đáo và những điểm đến hoang sơ ít người biết. Do đó, làng Trunyan khiến tôi có cảm giác như đang ở trong một chuyến phiêu lưu đích thực.

Trên đường về, chúng tôi ghé ngắm cảnh núi lửa và hồ nước Batur sau những giờ phút hồi hộp ở làng đầu lâu. Ảnh: Thảo Nhung

Trên đường về, chúng tôi tranh thủ ghé điểm ngắm núi lửa Batur trong ánh chiều tà. Sau này tôi còn đến ngôi làng Tana Toraja có tục lệ ma chay còn ly kỳ hơn cả Trunyan, nhưng chắc chắc Trunyan là ký ức không thể nào quên.Bali có nhiều điểm đến cực kỳ thú vị nếu bạn biết chỗ để đi, không phải nơi nào cũng đông nghẹt khách du lịch như những nơi “hot instagram" mà mọi người hay nói tới. Trunyan là một gợi ý hay ho cho những ai đam mê khám phá.

Thảo Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối