Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Đánh máy không cần gõ, chỉ cần nghĩ

Hoàng Xuân Phương -

Với Building 8 của Facebook, với Neuralink của Elon Musk và với Braintree của Bryan Johnson, những bí mật đằng sau các phòng nghiên cứu kết nối bộ não con người vào mạng máy tính mà không có sự can thiệp vào não bộ đã bắt đầu hé lộ.

Đánh máy bằng suy nghĩ

danhmayHệ thống điều khiển mới, lấy suy nghĩ thay cho những cử động hay thao tác bằng tay.

Bà Regina Dugan, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu triển khai giao diện não bộ-máy tính Building 8, cho biết tốc độ viết bằng ý nghĩ lên màn hình điện thoại sẽ nhanh gấp 5 lần đánh máy bằng tay, vào khoảng 100 chữ mỗi phút. Bà cho biết từ nay người ta có thể nghe được bằng làn da mà không cần đến lỗ tai.

Tại hội thảo F8 vừa được tổ chức, Facebook cho biết nhóm làm việc gồm 60 chuyên gia của họ đang thiết lập một giao diện não-máy giúp cho người ta có thể viết ra ý nghĩ của mình mà không cần phải gõ bằng tay. Công nghệ mới này cũng hoàn toàn không can thiệp đến não bộ bằng cách cấy các cảm biến trên đầu như những gì đang làm tại trung tâm nghiên cứu ở Stanford.

Nhóm nghiên cứu, gọi chung là Building 8 hay B8 đã sử dụng công nghệ ghi hình mắt để đọc những gì người ta đang suy nghĩ trong đầu, và chuyển chúng thành văn bản. Độ chính xác cao một phần nhờ tốc độ ghi hình lên đến hàng trăm lần trong mỗi giây đồng hồ.

Giới thiệu trước sự kiện F8, ông chủ Facebook Zuckerberg viết: “Ngày mai chúng tôi sẽ cập nhật cho quý vị công việc của chúng tôi về kết nối. Quý vị sẽ được trực tiếp nghe Regina Dugan nói về những gì chúng tôi đang tạo lập, bao gồm nghiên cứu về giao diện não để một ngày nào đó chúng ta liên lạc với nhau bằng ý nghĩ”.

Bà Dugan vốn trước đây là người điều hành bộ phận công nghệ tiên tiến và sản phẩm tại Google. Trước đó nữa bà là một lãnh đạo trong cơ quan nghiên cứu đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là DARPA đã đươc Facebook mời về lãnh đạo Building 8 từ năm ngoái.

Việc nghiên cứu về dự án đánh máy văn bản bằng ý nghĩ mới chỉ bắt đầu cách đây khoảng sáu tháng. Hiện nay, Building 8 nhận được sự cộng tác của Đại học California ở San Francisco và ở Berkeley, Viện Y khoa Johns Hopkins cùng Phòng nghiên cứu ứng dụng vật lý tại Đại học Johns Hopkins, và trường Y khoa St. Louis thuộc Đại học Washington.

Các cuộc nghiên cứu tập trung vào hệ thống thần kinh thị giác. Facebook cho biết “ứng dụng này sẽ không giải mã những suy nghĩ bất kỳ nào của con người, mà chỉ giải mã những suy nghĩ mà người ta muốn chia sẻ qua quá trình chuyển những suy nghĩ đó vào trung khu nói của não bộ”. Facebook giải thích, bạn cứ mặc tình suy nghĩ, nhưng chỉ những suy nghĩ nào bạn muốn viết thì nó mới viết.

Nghe bằng... da

Cũng trong sự kiện công nghệ quan trọng hàng năm F8 tại Facebook, Building 8 lần đầu tiên giới thiệu công nghệ nghe bằng làn da, chứ không nhất thiết bằng lỗ tai.

Các phần mềm sẽ tạo nên ngay trên da hiệu ứng tương tự như trong ốc tai và rồi chuyển những tần số đặc trưng âm thanh đó trực tiếp lên bộ não. Để nhấn mạnh vai trò của công nghệ đọc ý nghĩ, bà Dugan đề cao tầm quan trọng của điện thoại di động, tin rằng đã đến lúc đưa vào đó những cảm xúc, nền giáo dục và sự giao tiếp cộng đồng.

Những dự án nghiên cứu lớn như vậy không phải dễ dàng triển khai. Thực ra cho tới bây giờ, ngoài những tin tức vừa hé lộ, người ta không biết nhiều về những gì đang diễn ra ở Building 8. Nhưng theo bản kê công tác, nhóm Brain-Computer Interface (BCI) tức các kỹ sư về giao diện não-máy làm việc trong hai năm nhằm đưa ra các phương pháp học máy liên quan đến các mô hình mã hóa và giải mã đối với các dữ liệu ghi hình neuron và sinh lý điện tử, và nhóm Neural Imaging Engineer thực hiện công việc phát triển công nghệ ghi hình neuron không can thiệp, bao gồm việc thiết kế và phương pháp đánh giá hình ảnh neuron dựa trên quang học, tần số radio, siêu âm và tất cả những tiếp cận không can thiệp khác. Xem ra để tạo nên một giao diện não-máy hoàn chỉnh, người ta đang phải huy động những phương tiện và con người giỏi nhất vào đó.

Thực ra Zuckerberg không phải là người duy nhất đầu tư vào giao diện não-máy, mà là người mới tham gia cuộc đua với Elon Musk trong dự án Neuralink và với Bryan Johnson trong dự án Braintree.

Neuralink nhắm đến tăng cường trí thông minh cho con người và giúp họ cạnh tranh với trí khôn nhân tạo, đồng thời giúp cải thiện trí nhớ nơi các bệnh nhân bằng việc gắn thêm cho họ bộ nhớ bổ sung. Braintree trái lại muốn tạo ra những ứng dụng gần gũi với những gì Facebook đang làm hơn, và đã được tài trợ đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Nhưng với Facebook, dự án nghiên cứu triển khai này rất quan trọng vì họ cần có phương tiện mới để phục vụ 1,8 tỉ người sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối