Hoàng Xuân Phương -
Người máy và trí khôn nhân tạo đang lấy đi những việc làm không chỉ tạo nên tình trạng thất nghiệp ở các nền kinh tế mà còn tạo nên hiện tượng thất thu nơi các chính phủ, vốn trước đó đánh thuế trên thu nhập của những cá nhân.
Một làn sóng ứng phó với người máy đang được hình thành với một “bộ quy tắc ứng xử trí khôn nhân tạo”. Bộ quy tắc này mới đây được thông qua tại một hội nghị có tên là Asilomar, diễn ra tại Mỹ. Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft cùng những nhân vật nổi tiếng khác cũng đưa ra đề nghị đánh thuế vào những người máy (robot) đang chiếm dụng công ăn việc làm của con người.
Trang công nghệ Techrepublic nhận định rằng, thực ra trước khi Bill Gates đưa ra quan điểm đánh thuế chiếm dụng công việc của robot thì một trào lưu thử nghiệm trả lương căn bản cho mọi người đã bắt đầu cho dù họ có làm việc, không làm việc hay không thể kiếm được việc làm. Cũng như nhiều nhân vật nổi tiếng khác, Gates cho rằng đánh thuế vào robot là điều cần thiết bởi đội ngũ người máy này đang lấy đi công việc của những công nhân, nhân viên vốn là những người trước đây đóng thuế cho nhà nước.
Kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford và tổ chức Oxford Martin vừa cho biết có đến 47% người Mỹ có nguy cơ mất việc vì robot trong vòng 20 năm tới. Với việc đưa trí khôn nhân tạo vào sử dụng, số lượng người mất việc vì robot trong vài năm tới sẽ tăng lên rất nhanh, trong đó có nhiều nhân viên y tế, nhân viên luật, và các nhà tư vấn chuyên nghiệp.
Cùng lúc này Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo các nước Đông Nam Á về nguy cơ công nhân thất nghiệp trong quá trình tự động hóa, và đề nghị các nước phải nhanh chóng thay đổi phương cách giáo dục và tái đào tạo để bảo đảm cho họ có những công việc mới, thích hợp với thời đại tự động hóa.
Người ta sẽ còn bàn thảo nhiều về cách thức đóng thuế vào năng lực chiếm dụng việc làm của robot và trí khôn nhân tạo, nhưng một liên kết giữa việc lấy thuế tự động hóa để trả lương căn bản cho mọi người đang hình thành. Được biết những cuộc thử nghiệm trả lương căn bản cho mọi người bắt đầu từ năm 2017, đi đầu là Phần Lan, sau đó là Kenya rồi đến thành phố Oakland (California, Mỹ), thành phố Utrecht (Hà Lan), thành phố Ontario (Canada)…
Cuộc thử nghiệm tại Phần Lan sẽ kéo dài hai năm trên 2.000 người thất nghiệp được chọn ngẫu nhiên với mức lương căn bản là 560 Euro, không kể những khoản tiền an sinh xã hội mà họ đang nhận. Ở Kenya, cuộc thử nghiệm cũng bắt đầu từ đầu năm 2017 tại 40 làng với mức lương 22,5 đô la Mỹ mỗi người trong 12 tháng, và cùng lúc 80 làng khác được trả lương căn bản trong hai năm. Người ta đang kiểm chứng xem điều gì sẽ xảy ra với các tình huống khác nhau tại mỗi nước, mỗi nền kinh tế từ những vùng an sinh tốt nhất như Hà Lan đến những thành phố giàu có như ở California và các nước chưa giàu như Kenya hay Uganda.
Tự động hóa mà cao trào là cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra, và các lãnh đạo cũng như nhà chuyên môn đang phải nghĩ tới những phương cách ứng phó, trong đó có việc đánh thuế robot. Trả lời phóng vấn trên một tờ báo mới đây, ông Bill Gates nói rằng: “Hiện tại, người lao động có thu nhập 50.000 đô la Mỹ bị đánh thuế. Nếu robot phổ biến và chiếm dụng việc làm của con người, chúng ta nên đánh thuế robot với mức tương tự”.