Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Dạo bước nhà thờ đá Sa Pa những ngày đông về

(SGTT) - Một ngày mù sương đầu đông, tôi ghé thăm Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ở đây, một điểm đến không thể bỏ qua là nhà thờ đá. Phía sau là núi Hàm Rồng bồng bềnh mây phủ, trước mặt là quảng trường trung tâm; trong khi nhà thờ nằm ở vị trí đẹp nhất của thị xã vùng cao. Nhỏ bé nhưng uy nghiêm với những phiến đá xám màu rêu phong, nhà thờ Sa Pa luôn có một sức hút khó cưỡng với nhiều du khách.
Nhà thờ đá Sa Pa mờ trong sương. Ảnh: Việt An

Người ta vẫn quen gọi “Nhà thờ đá Sa Pa”, nhưng tên chính xác phải là Nhà thờ giáo xứ Sa Pa hay Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, vì người là bổn mạng của nhà thờ. Sau khi thành lập giáo xứ Sa Pa năm 1902, đến năm 1926, nhà thờ Sa Pa được dựng lên ngay vị trí trung tâm vùng đất này và hoàn thành sau 9 năm. Cùng với đó là nhiều công trình phụ trợ như nhà ở, nhà thiên thần, vườn thánh… Ngoài ra còn có tu viện Tả Phìn xây dựng năm 1942 thuộc bản Tả Phìn, cách Sa Pa khoảng 12km.

Nhà thờ khánh thành năm 1935, tu sửa 2 lần vào năm 1995 và 2007. Ảnh: Việt An

Khuôn viên nhà thờ đặt trên mảnh đất 6.000m2, chia thành 7 gian. Ngôi thánh đường có diện tích khoảng 400m2 với mặt tiền quay về hướng đông, đón lấy ánh nắng ban mai mỗi ngày. Nhìn từ trên xuống, khu vực chính này mang hình cây thánh giá. Phía trước là tháp chuông cao 20m với cây thánh giá ở trên đỉnh. Đáng chú ý là quả chuông đồ sộ bên trong tháp nặng đến nửa tấn và cao 1,5m, âm thanh có thể vang xa 1km. Quả chuông hiện tại đã 90 năm tuổi. Dấu ấn phong cách Gothic dù đơn giản hóa so với nhiều nhà thờ khác nhưng vẫn rõ nét ở 9 cửa sổ thuôn dài chạy dọc theo tháp chuông, các khung cửa vòm nhọn và những bức tranh kính màu độc đáo trên 32 ô cửa quanh thánh đường.

Những bức tranh thánh được vẽ trên kính màu quanh nhà thờ. Ảnh: Việt An
Sáng 28-12-2022 tuyết bắt đầu rơi trên đỉnh Fansipan. Nếu tuyết tiếp tục rơi nhiều, du khách có thể bắt gặp hình ảnh này ngay tại nhà thờ. Ảnh: Việt An

Điểm nhấn đặc biệt nhất của nhà thờ chính là ở chất liệu xây dựng. Đá được sử dụng trong hầu như toàn bộ công trình, chính điều này là nguồn gốc xuất phát tên gọi Nhà thờ đá Sa Pa. Những viên đá to được ghép lại một cách khéo léo, kết dính bằng hỗn hợp vôi, cát, mật mía. Ngay cả các khung cửa cũng được những người thợ tỉ mỉ khắc gọt đá, sắp đặt uốn lượn theo vòm cong. Các phiến đá vuông vức được ưu tiên đặt ở mặt trước, phía sau thì nhiều hình dạng hơn. Cùng với đá, trần thánh đường cũng là điểm độc đáo về chất liệu. Trần nhà bên trong được tạo thành từ hỗn hợp vôi, sắt và rơm và khu vực trần phía gác chuông vẫn bền vững đến bây giờ.

Những phiến đá bền vững qua gần 100 năm. Ảnh: Việt An
Mái ngói đỏ tươi năm xưa nay đã nhuốm màu thời gian, đồng điệu với rêu phong cổ kính trên đá. Ảnh: Việt An
Quảng trường phía trước nhà thờ, nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con nơi đây, đặc biệt là phiên chợ tình nổi tiếng vào tối thứ 7 hàng tuần. Ảnh: Việt An

Trải qua gần 1 thế kỷ, nhà thờ đá Sa Pa vẫn lặng lẽ ngắm nhìn sự phát triển ngày càng nhanh chóng của xứ sở du lịch này. Và cho dù phố thị có nhộn nhịp đến đâu, bước vào nhà thờ, du khách vẫn sẽ cảm nhận sự yên bình, cổ kính của miền thánh đường trong mây.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối