Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

Đào tạo nghề trong yêu cầu của công nghiệp 4.0

Ngọc Ánh -

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam nói riêng và các nước APEC nói chung được đòi hỏi phải nâng cao tính linh hoạt và có sự hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp nhằm đáp ứng những yêu cầu sắp tới của thị trường trong thời đại số hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Là một phần quan trọng của sự kiện APEC Việt Nam 2017, cuộc hội thảo mang chủ đề Giáo dục nghề nghiệp và bảo trợ xã hội trong thời đại số hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra tại Hà Nội hôm 12-5 vừa qua, với sự có mặt của nhiều nhà hoạch định chính sách quan trọng, các học giả và nhà giáo dục của Việt Nam và các nước APEC.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Doãn Mậu Điệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng như các nước APEC cần được điều chỉnh một cách phù hợp để tận dụng tối đa những cơ hội và giải quyết các rủi ro mà thời đại số hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại.

Cơ hội và nguy cơ

laodong-sanxuatChuyển đổi cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước ngưỡng cửa cách mạng công nghệ 4.0. Ảnh minh họa: Mai Lương

Theo các diễn giả tham dự cuộc hội thảo, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0) đang là xu thế lớn trên toàn cầu với động lực là sự phát triển về khoa học và công nghệ. Nền tảng của cuộc cách mạng này là công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất. Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những sự thay đổi đột phá, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu.

Ông Diệp cho rằng cùng với sự bùng nổ của Công nghệ 4.0 sẽ có một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động, nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới. Đồng thời, các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm cũng tăng lên và đặt ra các vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng những yêu cầu trong tương lai của xã hội. Theo ông, thị trường lao động sẽ gặp những thách thức lớn về chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Do đó, việc làm của những người lao động trình độ thấp, người lao động có kỹ năng bậc trung sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới và kỹ năng sáng tạo cho việc bước vào một giai đoạn mới của nền kinh tế.

Với khẩu hiệu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được khẳng định tại Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc tới năm 2030, hội thảo xác định cần phải có một sự thống nhất giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương để bảo đảm các quyền về an sinh xã hội trong các thể chế quốc gia và các khuôn khổ hợp tác khu vực. Bên cạnh đó, cần phải bảo đảm tất cả các chương trình an sinh xã hội hội phải thích nghi được với những thay đổi về nhân khẩu học, kinh tế, xã hội, thiên tai thảm họa; mặt khác trợ cấp về an sinh xã hội phải không cản trở động lực làm việc.

[box type="info"] Trong bài phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đối với Việt Nam, dự báo trong những năm tới, từ 2017 đến 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân hàng năm 1,28%, tương ứng 728.000 người mỗi năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025.

Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là hướng chính để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tính đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu người lao động cả nước chỉ có hơn 11,21 triệu người có bằng cấp hoặc chứng chỉ, chiếm 20,6%. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo, đặc biệt là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật-công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ cao, công nhân lành nghề cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.[/box]

Liên kết giữa đào tạo và thị trường

Tiến sĩ Horst Sommer, Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ-TVET), trong bài trình bày của mình đã dự báo tác động đối với thị trường lao động, quá trình thay đổi trong các lĩnh vực cụ thể và thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của tính linh hoạt trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tính cấp thiết của việc hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp.

Theo tiến sĩ Sommer, sự linh hoạt của hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được bảo đảm bởi việc giảm thiểu mức độ can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, và thực hiện chức năng quản lý nhà nước hiệu quả. Ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ năng nghề cần nêu rõ các kết quả đầu ra chủ chốt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được cho phép phối hợp với doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình đào tạo một cách thường xuyên hơn. Điều này cũng có nghĩa phải giảm bớt mức độ quản lý vi mô của các cơ quan chức năng và tăng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho phép họ phát triển linh hoạt các chương trình đào tạo theo nhu cầu thay đổi nhanh chóng của doanh nghiệp, của thị trường.

Khối doanh nghiệp, bao gồm các hiệp hội nghề nghiệp và các nhà tuyển dụng, phải có vai trò trong việc xác định các tiêu chuẩn nghề nghiệp và các chương trình đào tạo lẫn việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Tiến sĩ Sommer kết luận rằng cơ chế phối hợp này giúp cung cấp các chương trình đào tạo gắn liền với việc làm, được công nhận bởi cộng đồng doanh nghiệp và phù hợp với quá trình phát triển công nghệ. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo có thể giúp triển khai các giai đoạn đào tạo thực hành chuyên sâu tại doanh nghiệp, nơi các học viên có cơ hội học tập trong môi trường sản xuất thực tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối