Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đào tạo nhân lực cho cải lương: Bao giờ hết khó?

Quỳnh Nga -

Đào tạo nhân lực cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu cải lương (SKCL) đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người làm nghề từ nhiều năm nay.

Khó khăn trong tuyển sinh ngành kịch hát dân tộc đã là “chuyện muôn năm cũ”. Hồ sơ đăng ký dự thi luôn ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh là chuyện đều đặn xảy ra ở các đợt tuyển sinh trong nhiều năm gần đây.

dao-tao1 Đò tình, vở cải lương được giới chuyên môn đánh giá cao cả về dàn dựng lẫn diễn xuất nhưng cũng chỉ để sinh viên thi… tốt nghiệp.

Để có đủ chỉ tiêu, nhà trường phải chấp nhận tuyển những thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp diễn viên kịch nhưng biết ca cải lương và có nguyện vọng được theo học tại trường. Bất cập trong đào tạo đã có ngay ở “vạch xuất phát” với việc tuyển sinh không đúng đối tượng. Các thí sinh được “khuyến khích” theo cải lương sẽ không có giọng ca đúng yêu cầu của diễn viên cải lương, hoặc nếu có giọng ca thì cũng không có độ đam mê để theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn và cống hiến hết tài năng, sáng tạo của mình cho nghệ thuật cải lương vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đạo diễn-nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng, với đặc thù của nghệ thuật cải lương và thực tế tình hình của sân khấu cải lương hiện nay, việc đào tạo diễn viên cải lương phải gắn liền với nhà hát, đồng thời phải có những nghiên cứu để hiểu cải lương cần phát triển ra sao; công tác đào tạo phải như thế nào để đáp ứng xu thế phát triển chung của xã hội, của đời sống văn hóa nghệ thuật.

Yêu cầu là vậy, nhưng thực tế từ nhiều năm qua, việc đào tạo diễn viên cải lương vẫn nhiều chồng chéo. Trường chuyên nghiệp vẫn tuyển sinh đào tạo, nhà hát cải lương cũng mở lớp đào tạo theo kiểu truyền nghề. Ở thời hoàng kim của sân khấu cải lương, đây là việc cần thiết để có đủ lực lượng diễn viên cung cấp cho các đoàn nghệ thuật cải lương của các tỉnh khu vực miền Nam. Nhưng khi sân khấu khó khăn, nhiều đoàn cải lương đã phải “rã gánh” thì công tác đào tạo dường như được người trong nghề cho là vẫn không thay đổi.

Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TPHCM vẫn cứ tuyển sinh ngành kịch hát dân tộc. Tốt nghiệp sau ba năm học, sinh viên tự tìm “bến đậu” cho mình. Trong khi đó Nhà hát Trần Hữu Trang – nhà hát cải lương lớn nhất phía Nam hiện nay – vẫn tổ chức đào tạo diễn viên nhưng lại không đủ chức năng để cấp bằng tốt nghiệp cho học viên. Để giải quyết vấn đề này, nhà hát phải thực hiện thêm một công đoạn là phối hợp với trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM.

Cho đến nay, Đại học Sân khấu-Điện ảnh TPHCM gần như là địa chỉ duy nhất đào tạo đạo diễn sân khấu gắn với chuyên ngành cải lương ở TPHCM. Nhưng trong xu hướng phải cạnh tranh khắc nghiệt với nhiều loại hình nghệ thuật thời thượng khác, tiêu chí của những người làm cải lương là phải đổi mới để bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả… Nhưng nhiều người trong nghề đặt câu hỏi là sẽ đổi mới ra sao khi giảng viên, sinh viên cứ phải dạy chay, học chay?

Một đạo diễn cải lương than thở, trong khó khăn của các loại hình nghệ thuật truyền thống thì lẽ ra sân khấu cải lương cần phải được đầu tư đến nơi, đến chốn thì ngược lại, cơ sở vật chất, đầu tư cho công tác đào tạo còn quá nghèo nàn, sơ sài. Tiếng là học đạo diễn, nhưng mãi đến học kỳ cuối cùng, lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp, các sinh viên mới được làm quen với việc xử lý ánh sáng, âm thanh, không gian sân khấu… ở một sân khấu biểu diễn đúng nghĩa.

Một vấn đề khác dù không mới, nhưng cũng làm nhiều người trong nghề trăn trở đó là mối quan hệ lỏng lẻo giữa đơn vị đào tạo nghệ thuật và các cơ quan ban ngành, đơn vị văn hóa nghệ thuật. Khi các đài truyền hình phải loay hoay tìm kịch bản, gấp rút, vội vàng dàn dựng để có các chương trình cải lương phát sóng thì không ít những vở cải lương của sinh viên tốt nghiệp lớp diễn viên hoặc đạo diễn dù được đầu tư dàn dựng, tập luyện rất công phu, tốn kém và có chất lượng nghệ thuật nhưng chỉ để thi tốt nghiệp rồi… bỏ. “Đây là điều quá lãng phí cả về vật chất lẫn chất xám!”, nhạc sĩ Nhứt Dũng cho hay.

Công tác đào tạo ở lĩnh vực sân khấu cải lương làm sao để có hiệu quả vẫn là câu hỏi khó, nhất là ở thời điểm cải lương gần như phải “án binh bất động” vì không có điểm diễn như hiện nay.

Hiện nay, sinh viên ngành kịch hát dân tộc được giảm 70% học phí theo quy định, đồng thời có những suất học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt từ các nhà tài trợ. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để khuyến khích sinh viên theo học các loại hình nghệ thuật dân tộc. Nên chăng cần có những chế độ, chính sách để sinh viên ngành nghệ thuật dân tộc vừa được miễn học phí, vừa có lương?

Với kinh nghiệm của nhiều năm gắn bó với sân khấu cải lương, đồng thời cũng từng giữ vai trò hiệu trưởng trường Nghệ thuật Sân khấu II (tiền thân của trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TPHCM), nghệ sĩ Ca Lê Hồng đề xuất: “Nếu công tác đào tạo theo cách truyền nghề của Nhà hát Trần Hữu Trang đã có hiệu quả, trong khi việc tuyển sinh và đào tạo diễn viên cải lương ở nhà trường lại quá khó khăn thì nên chăng công tác đào tạo cải lương nên dồn vào “một mối”. Nhà hát và nhà trường cùng nhau kết hợp, hình thành trung tâm đào tạo và tổ chức biểu diễn nghệ thuật cải lương với những nghiên cứu, dự án cụ thể và đồng bộ trong đào tạo đội ngũ kế thừa của nghệ thuật cải lương”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối