Ngọc Ánh -
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech), với hơn 20 triệu đô la Mỹ được đầu tư vào các dự án khởi nghiệp trong năm ngoái đã biến nó trở thành lĩnh vực khởi nghiệp có tốc độ phát triển nhanh thứ hai tại Việt Nam chỉ sau công nghệ tài chính (Fintech), theo bản báo cáo gần đây của Tổ hợp công nghệ giáo dục (Topica).
Các chuyên gia của Topica, một vườn ươm khởi nghiệp về lĩnh vực giáo dục, trong bản báo cáo của mình đã đánh giá rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) trong ngành giáo dục và đào tạo sẽ là xu hướng nổi bật trong tương lai.
Tăng trưởng nhanh
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM (ITEC) là một trong những trường đã nhập robot về phục vụ cho công tác giảng dạy. Ảnh: ITEC
Giới chuyên gia công nghệ cho rằng năm 2016 đã đánh dấu bước chuyển mình của lĩnh vực Edtech trong giới khởi nghiệp Việt Nam. Tại buổi tọa đàm “Khởi nghiệp Edtech trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR)” vừa diễn ra tại Hà Nội, vị đại diện của Topica cho biết Edtech là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai sau Fintech (các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) tại thị trường khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2016 với sáu thương vụ trị giá khoảng 20 triệu đô la.
Cũng theo bản báo cáo từ Topica, hiện nay, hệ sinh thái về Edtech trên thế giới đã khá hoàn chỉnh, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư, với các phân mảng như giáo dục sớm, mô hình trường học tích hợp công nghệ mới, giải pháp đào tạo doanh nghiệp, công cụ học tập mới, các nền tảng online to offline, các ứng dụng quản lý trường học, công cụ tìm kiếm khóa học, ứng dụng chuẩn bị cho các kỳ thi…
Tuy nhiên, nhìn lại hệ sinh thái Edtech của Việt Nam, các chuyên gia Topica nhận định nó còn khá sơ khai khi nhiều mảng còn trống, hầu như chưa có doanh nghiệp tham gia như cổng thông tin các khóa học... Các Edtech Việt mới chủ yếu tập trung vào mảng dạy tiếng Anh và nền tảng khóa học ngắn hạn.
Đi vào giáo dục
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) cũng như làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng từ nước ngoài đến Việt Nam, và việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) cũng đang trở thành xu hướng trong hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm giáo dục. Một điển hình là ứng dụng ELSA sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói để phát hiện lỗi sai trong cách phát âm của người học tiếng Anh hay sắp tới, Monkey Junior, phần mềm dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ, cũng sẽ ứng dụng AI vào sản phẩm của mình…
Ông Đào Xuân Hoàng, Giám đốc điều hành (CEO) của Monkey Junior, cho biết phần mềm này đã có một lượng dữ liệu người dùng khá lớn. Và khi đã có thông tin về trải nghiệm người dùng, Monkey Junior sẽ sử dụng công nghệ AI để biết người học thích nội dung gì, tính năng nào, có điểm yếu ra sao để từ đó đưa ra nội dung phù hợp cho từng người học.
Thành công với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC có tích hợp AI, ông Lê Công Thành, Giám đốc Topica AI Lab và cũng là một trong những chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay, cho biết khi xây dựng kho dữ liệu huấn luyện AI nhận diện câu lệnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, doanh nghiệp đã phải thuê hàng trăm cộng tác viên gắn nhãn hàng triệu câu thoại tiếng Việt, chi phí lên đến 2 tỉ đồng chỉ trong vòng sáu tháng.
Văn Đinh Hồng Vũ, CEO của ELSA, kể rằng những ngày đầu khởi nghiệp trong mảng giáo dục, cô đã mời về nhiều chuyên gia ngôn ngữ người bản xứ giúp xác định trọng âm, cách phát âm từng từ cũng như gửi các cộng tác viên đi thu thập nhiều cách đọc của nhiều người khác nhau trong quá trình học tiếng Anh để máy tính có thể nhận diện được lỗi phát âm đúng hay sai.
Với những kinh nghiệm có được trong quá trình khởi nghiệp, Hồng Vũ cho rằng khác với cách dạy truyền thống, việc đưa AI vào các sản phẩm giáo dục, đặc biệt là sản phẩm dạy tiếng Anh, có thể giúp hàng ngàn học viên có thể luyện tập với một ứng dụng trên điện thoại. Các chuyên gia ngôn ngữ cũng chỉ cần soạn bài một lần duy nhất để dạy cho nhiều người.
Chú trọng khâu nghiên cứu và phát triển
Ông Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc về Phát triển chiến lược của Công ty Cinnamon AI Labs, một dự án khởi nghiệp vườn ươm trí tuệ nhân tạo, trong một cuộc trao đổi với báo giới, cho rằng việc đầu tư vào các dự án về công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm hạn chế. Mối e ngại lớn nhất từ phía các nhà đầu tư là cần hiểu về công nghệ áp dụng vào dự án. Đó cũng chính là lý do Cinnamon AI Labs muốn phát triển một vườn ươm để giúp đỡ kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với các dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, công nghệ, dù cho là những công nghệ mới như AI hay VR, là để phát triển các sản phẩm có giá trị thương mại và thực tiễn. Nếu doanh nghiệp trong nước chọn bài toán quá lớn để giải quyết, sẽ mất rất nhiều nguồn lực và thời gian để hoàn thành, thậm chí, đầu ra của sản phẩm này cũng chưa được đảm bảo rõ ràng.
Trên thực tế, công nghệ trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế thị trường, thông qua việc giúp tăng năng suất lao động và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Ông Bách đưa ra ví dụ về các giải pháp tinh giản công việc hành chính tại các tập đoàn lớn mà Cinnamon AI Labs đang tập trung phát triển. Đây vốn là những công việc lặp đi lặp lại, nhàm chán và ít tính sáng tạo, nhưng lại đòi hỏi tính cụ thể, có thể thay thế bằng phần mềm công nghệ thông minh.
Một lợi ích nữa của công nghệ trí tuệ nhân tạo là mang lại sự trải nghiệm khác biệt dành cho khách hàng. Việc tự động trò chuyện và theo dõi hành vi khách hàng cũng mang lại một nguồn dữ liệu lớn về thói quen và sở thích của những người dùng sản phẩm. Những trợ lý ảo có thể làm việc toàn thời gian 24/7 và xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trong việc giúp đỡ tìm hiểu nhu cầu của từng vị khách một cách toàn diện, hiệu quả.
Một tín hiệu tích cực khác cho thị trường công nghệ giáo dục trong nước đó là việc Tập đoàn Alt (Nhật Bản) vừa thông báo kế hoạch phát triển một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo với quy mô lớn tại Hà Nội. Quyết định này chứng tỏ sự quan tâm của các nhà đầu tư và các chuyên gia vào tiềm năng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.