Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng và chợ truyền thống đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội kéo dài và nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tổng mức bán lẻ hàng hóa khép lại năm 2021 vẫn tăng trưởng 0,2% và lập kỷ lục mới về doanh số, vượt mốc 173 tỉ đô la Mỹ.
- Khôi phục du lịch sau dịch: Cơ hội từ kinh tế tuần hoàn
- Liên kết giải bài toán nhân lực ngành logistics
Đây được xem là một kết quả khá bất ngờ với diễn biến thực tế trên thị trường bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí 4-2021 ước đạt 1.312,6 ngàn tỉ đồng, tăng 28,1% so với quí trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.789,5 ngàn tỉ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 6,2% (năm 2020 giảm 3%).
Tuy nhiên, nếu tính riêng mảng bán lẻ hàng hóa thì năm nay đạt 3.950,9 ngàn tỉ đồng (tương đương 173,28 tỉ đô la Mỹ), tăng 0,2% so với kết quả bán lẻ hàng hóa của năm 2020. Như vậy, thị trường bán lẻ năm 2021 tiếp tục ghi kỷ lục mới về doanh số và tăng hơn 1,2 tỉ đô la sao với năm 2020 (năm 2020, doanh số toàn thị trường này đạt khoảng 172 tỉ đô la, tăng hơn 11 tỉ đô la so với năm 2019).
Như vậy, dù có đến gần 120.000 doanh nghiệp rời thị trường, hàng chục triệu người lao động mất – giãn việc, giảm thu nhập và ngành du lịch mất hàng triệu du khách, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu… do bão Covid-19, thị trường bán lẻ vẫn ghi nhận kỷ lục mới về doanh số.
Tiếp cận ở khía cạnh chi phí sản xuất, giá cả nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao thì kết quả doanh số bán lẻ tăng được giới phân tích cho là chấp nhận được.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng kết quả tăng trưởng này có thể là do giá cả hàng hóa tăng cao vì nhiều chi phí tăng và giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng cao trong thời gian qua. Theo ông Doanh, tăng trưởng này là do giá hàng hóa tăng, chứ không phải sức mua tăng.
Mặt khác, dù trong quá trình thực hiện giãn cách, hầu hết các cửa hàng, doanh nghiệp và chợ truyền thống đóng cửa kinh doanh, thực tế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong thời gian này diễn ra khá nhộn nhịp. Nên theo giới phân tích, bán hàng online cũng phần nào bù đắp cho phần doanh số bị sụt giảm nặng nề của mô hình bán lẻ trực tiếp.
Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng và thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh.
Trên thực tế, sau 3 tháng mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam dần ổn định trở lại.
Đơn cử như tại TPHCM, thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cả nước trong 3 tháng cuối năm tăng trưởng cao trở lại. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết tại TPHCM đã có nhiều tín hiệu tích cực, doanh số bán buôn, bán lẻ tăng liên tục. Cụ thể, tháng 10-2021 đạt 43.000 tỉ đồng, tháng 11 là 55.000 tỉ đồng và tháng 12 dự kiến hơn đạt hơn 66.000 tỉ đồng.
Lê Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online