Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Đất kể chuyện

Bảo Hướng -

Đất kể là câu chuyện kể về hành trình đánh thức cục đất vô tri, tìm về văn hóa gốm Biên Hòa xưa của Công ty TNHH Cội Việt. Câu chuyện bắt đầu từ một cục đất còn ẩm hơi nước và kết thúc nơi lò củi đỏ lửa có tuổi đời cả trăm năm ở làng nghề gốm thủ công Tân Vạn nằm bên Cù Lao Phố.

san-pham-lang-gomSản phẩm làng gốm.

Có truyền thống từ thế kỷ 17, gốm Biên Hòa hợp nguồn từ nhiều gốc và truyền thống khác nhau gồm cách làm gốm của người Việt vùng Thuận Quảng, cách làm gốm của người Hoa, dòng gốm Limoges của người Pháp. Thế nhưng, để gốm Biên Hòa nổi danh quốc tế, được giới chuyên môn cũng như dân chơi gốm sứ săn lùng, phải kể đến công lao của ông bà Balick gắn liền với trường dạy nghề Biên Hòa (nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai).

 nguoi-tho-xoay-ban-lam-gomNgười thợ xoay bàn làm gốm.

Đầu thế kỷ 20, khi nền thống trị của thực dân Pháp tương đối ổn định trên toàn Đông Dương, Pháp lần lượt cho mở các trường dạy nghề mà người dân quen gọi là trường bá nghệ. Năm 1902, trường dạy nghề Biên Hòa ra đời mà sau đó lấy tên trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa. Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Balick tốt nghiệp trường Mỹ thuật trang trí Paris, làm hiệu trưởng và bà Mariette, tốt nghiệp trường Gốm Limoges làm phụ tá vào năm 1923. Hai người đã góp phần to lớn giúp gốm Biên Hòa phát triển cho đến những năm 1970.

Năm 1925, trường được mời tham dự Hội chợ Quốc tế Paris, các sản phẩm gốm trang trí mang sang Pháp giới thiệu và được giới chuyên môn đánh giá cao, được Chính phủ Pháp tặng bằng khen danh dự, ban tổ chức tặng thưởng huy chương vàng. Năm 1932, trường tham dự Hội chợ Quốc tế Paris lần thứ 2, trường mang theo hai đốc công người bản xứ cùng bàn xoay, dụng cụ, tổ chức trình diễn xoay gốm, tạo dáng gốm, làm nên bất ngờ lớn, dân Paris và cả du khách các nước ngợi khen.

Cùng với gốm Cây Mai (Sài Gòn) và gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm trang trí Biên Hòa đã tạo thành dòng gốm mang phong cách Nam bộ với kỹ thuật và mỹ thuật đặc trưng vang danh trong và ngoài nước. Yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Biên Hòa là nguồn nguyên liệu đất sét trắng, đất sét màu chất lượng cao và trình độ tay nghề của đội ngũ thợ gốm, mà theo thầy Trần Đình Quả, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, là hòa nhập nét tinh hoa từ nhiều nền văn hóa khác nhau như Việt, Hoa, Pháp, Chăm khi tạo hình và trang trí.

ben-trong-lo-gomBên trong lò gốm.

Trong những năm gần đây, các lò gốm lâu đời ở Biên Hòa lần lượt đóng cửa, Khoa Gốm của trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cũng gần như không tuyển được sinh viên, gốm Biên Hòa đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Đất kể là dự án của Công ty TNHH Cội Việt ấp ủ để kể lại hành trình gốm Biên Hòa chinh phục người yêu gốm suốt gần một thế kỷ. Cầm nắm cục đất sét trên tay, Đất kể giới thiệu đến các bạn trẻ kỹ thuật cơ bản nhào nặn, tạo hình gốm. Từ cục đất vô tri, đặt trên bàn xoay cùng đôi tay cẩn trọng tạo nên chiếc lọ xinh xinh, hay từng cục đất được ép khối, kết lại thành hình thù ngộ nghĩnh. Đất kể là hành trình tìm về trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, gặp thầy Đinh Công Việt Khôi – truyền nhân hiếm hoi của dòng gốm Biên Hòa, lắng nghe những câu chuyện sống động tựa mới hôm qua, được thầy dẫn đi tham quan xưởng gốm, chỉ dẫn từng giai đoạn lọc đất, trộn đất, tạo hình và cả lò điện nung gốm. Các bạn trẻ còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm tinh tế từ bao thế hệ của trường tại phòng trưng bày, lắng nghe thầy giảng giải các loại men, chỉ ra nét đẹp của loại men làm rạng danh gốm Biên Hòa – màu men xanh đồng trổ bông.

Hành trình đó còn đưa người tham gia đến Thất Phủ cổ miếu thờ Quan Công được xem là ngôi miếu cổ xưa nhất đất Nam bộ, gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi vùng đất Biên Hòa. Trên nóc mái ấn tượng với cả một công trình điêu khắc chạm trổ tinh xảo gồm những khối tiếu tượng gốm men xanh hòa theo các đề tài hát múa cung đình, hình tượng ông Nhật bà Nguyệt.

Điểm nhấn của hành trình chính là khu làng nghề gốm thủ công Tân Vạn với lò gốm Phong Sơn có tuổi đời trên trăm năm. Lò có dạng hình vòm trải dài theo chiếc dốc từ dưới lên cao, có nhiều cửa để đưa sản phẩm vào lò nung và lấy ra khi quá trình hoàn tất, dọc chiều dài lò có nhiều ô “mắt lửa” để châm củi và được đốt lửa lần lượt, giữ cho lò luôn nóng và nhiệt độ ổn định. Khác với lò nung công nghiệp chạy điện, lò gạch đốt củi cho ra mẻ gốm với màu men không lúc nào giống nhau hoàn toàn vì còn tùy theo “bà hỏa”. Chính vì thế các sản phẩm từ lò gạch đốt củi vẫn mang giá trị riêng mà lò công nghiệp khó mà thay thế.

Trên hành trình tìm về gốm xưa, mọi người có dịp dừng chân, ghé quán cà phê vợt tròm trèm 50 tuổi dưới gốc cây cổ thụ rợp bóng, nhâm nhi vị đắng và lặng xem người phụ nữ trung niên luôn mỉm cười đôn hậu, đôi tay thoăn thoắt pha chế, ngẫm nghĩ chuyện đời, chuyện nghề.

Anh Phan Khắc Huy, Giám đốc Cội Việt chia sẻ: “Đất kể mong muốn giới thiệu đến các bạn trẻ một nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp sức cho lớp nghệ nhân hậu bối giữ nghề, dựng nghiệp và tìm hướng phát triển tiếp theo cho gốm Biên Hòa”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối