Cao Ban -
Đất nền tại các quận, huyện ngoại ô TPHCM cũng như tại các tỉnh lân cận thành phố đang là kênh đầu tư hấp dẫn với giá liên tục tăng trong suốt 12 tháng.
Ăn theo hạ tầng
Đất nền vùng ven đang thu hút nhiều người mua chờ cơ hội sinh lời, nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần cẩn trọng vì tiềm ẩn không ít rủi ro.
Theo ghi nhận, thị trường đất nền ở khu vực quận 9, quận 2 thuộc TPHCM hiện có mức tăng giá trung bình khoảng 20% so với đầu năm. Tại các tỉnh giáp ranh thành phố như Đồng Nai, Bình Dương và Long An, mức tăng giá đất nền cũng tương tự.
Anh Hưng, một người làm việc tại quận 1, TPHCM, đã săn tìm đất nền ở khu vực quận 9 nhiều tháng nay nhưng chưa mua được mảnh đất ưng ý. Anh Hưng cho biết, hồi cuối năm 2015, giá mỗi mét vuông đất nền tại trục đường Nguyễn Duy Trinh khoảng 12 triệu đồng thì nay đã tăng lên khoảng 15 triệu đồng. Còn đất ở khu vòng xoay Phú Hữu năm trước có giá tầm 18-20 triệu đồng/m² thì hiện đang được chào bán với giá 25-26 triệu đồng/m².
“Giá đất tăng chóng mặt, nhưng đa số là đất với diện tích lớn, mua để đầu tư, hoặc đất chung sổ”, anh Hưng nói.
Đất nền tại một số dự án cũng có sự biến động lớn về giá. Đất nền dự án An Thiên Lý (quận 9) hồi tháng 9-2015 chỉ có giá 13,5 triệu đồng/m² nay được chào giá 21,5 triệu đồng/m². Tại quận Bình Tân, đất nền trong khu dân cư Tên lửa Residence cuối năm 2015 ở mức 18,5 triệu đồng/m² thì đến tháng 12-2016 đã có giá 23 triệu đồng/m².
Cùng với nhu cầu vẫn cao, nhiều dự án của các chủ đầu tư thời gian qua đã đạt lượng giao dịch lớn. Công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh và Công ty cổ phần Đồng Nai vừa chào bán dự án khu đô thị Biên Hòa Riverside tại xã Tân Thạnh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với quy mô 5,4 ha, giá khoảng 6,2 triệu đồng/m². Công ty Kim Oanh cho biết 268 nền đất đã được giao dịch thành công chỉ trong giờ bán đầu tiên.
Giữa tháng 11, Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi Á Châu cũng đã mở bán dự án nhà phố vườn ven sông Saigon Village tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án này có quy mô 37 ha với giá bán từ 520 triệu đồng/nền, đã tiêu thụ được 170 nền đất trong ngày đầu mở bán.
Theo một người môi giới lâu năm tại khu Đông TPHCM, hiện đất dự án ở khu vực gần cảng Cát Lái có giá vào khoảng 19-33 triệu đồng/m², khu vực quận 9 có giá ở mức 18-25 triệu đồng/m²; các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, giá đất đang giao dịch 6-7 triệu đồng/m².
Người môi giới cho rằng thị trường đất nền tăng giá mạnh là do mạng lưới giao thông ở các khu vực này đang được đầu tư và hoàn thiện dần. Đất dọc tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, hoặc đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường Mỹ Phước-Tân Vạn-Nhơn Trạch, sân bay quốc tế Long Thành… đều tăng giá và có tính thanh khoản cao. “Hạ tầng lên nhanh cùng với tâm lý tích góp đất đai, muốn sở hữu nhà gắn liền với đất của người dân giúp thị trường đất nền tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn”, người này nhận định.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, bất động sản vùng ven phát triển mạnh là điều tất yếu giúp giãn dân và giảm tải cho TPHCM. Hiện ngày càng nhiều người có xu hướng chuyển ra ngoại ô, sẵn sàng chấp nhận di chuyển xa hơn để có nơi ở rộng rãi hơn. “Các khu vực giáp ranh như Dĩ An, Lái Thiêu, Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Cần Giuộc… sẽ là mục tiêu trọng tâm của các khu đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân của TPHCM”, ông Châu nói.
Cẩn trọng tính pháp lý
Đất nền vùng ven tăng giá liên tục khiến nhiều nhà đầu tư vội vã tung vốn ra chờ sinh lời. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực, việc đầu tư đất nền vùng ven có không ít rủi ro. Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Kim Oanh, cho rằng thị trường bất động sản vùng ven đang bắt đầu khan hiếm dần những dự án đất nền được cấp sổ đỏ, các dự án này thường được bán với giá cao hơn. Nhà đầu tư vì thế cũng nên cẩn trọng hơn khi giao dịch với các dự án không đảm bảo pháp lý rõ ràng, an toàn.
Còn theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Phú Vinh, trước khi quyết định rót tiền vào phân khúc này, nhà đầu tư cần tính toán kỹ càng nhiều yếu tố như uy tín của chủ đầu tư, quy hoạch và đặc biệt là pháp lý phải rõ ràng, minh bạch. Nhà đầu tư nên cẩn trọng với các cơn sốt giá vì người bán muốn thổi giá theo thông tin hạ tầng, nếu không nhận định được giá cả một cách có cơ sở thì rất dễ gặp rủi ro.
“Nếu có sẵn dòng vốn nhàn rỗi, không bị áp lực về tài chính hàng tháng thì mới nên mạnh dạn đầu tư. Còn nếu mua để ở thì càng nên thận trọng vì thực tế nhiều khu vực chờ 5-7 năm cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, dân cư thưa thớt, không đảm bảo cuộc sống. Thậm chí sự thay đổi quy hoạch của địa phương có thể khiến dự án bị vướng quy hoạch treo, bán không được mà ở cũng không xong”, ông Chánh nói.
Ông Chánh nhận định, đất quanh các khu công nghiệp, các trục hạ tầng huyết mạch trong tương lai, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trường đại học... có thể cách xa khu trung tâm nhưng chắc chắn sẽ tăng giá theo thời gian và tốc độ đô thị hóa.