Trong đợt bùng phát dịch lần này, nhiều khách sạn, khu giải trí cho biết sẽ hoàn tiền vé hoặc bảo lưu vé, tiền đặt cọc dịch vụ cho khách hàng. Với phía hàng không, đa số chọn cách bảo lưu tiền đặt cọc và chuyển vé đã mua thành voucher (phiếu mua hàng) để sử dụng sau.
Theo Hãng hàng không Vietnam Airlines, chính sách xử lý của hãng trong đợt dịch lần hai này về cơ bản là tất cả các vé đã đặt đều được phép thay đổi, đổi hành trình và hoàn vé nhưng cách giải quyết vé của khách lẻ và vé của các công ty lữ hành sẽ khác nhau.
Với đối tác du lịch, những công ty đã đặt cọc tiền vé sẽ được bảo lưu khoản tiền này để đặt cọc cho những đoàn khách khởi hành sau này, với thời hạn khởi hành kéo đến ngày 31-6-2021. Vé của khách lẻ sẽ được chuyển sang voucher để sau này đi.
"Hình thức chuyển sang voucher trước đây ít được áp dụng nhưng từ dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không trên thế giới khuyến cáo nên dùng hình thức này để giải quyết tình trạng hoàn vé mà vẫn giữ chân được du khách", đại diện Vietnam Airlines nói tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức vào chiều qua (8-8).
Với VietJet Air, hãng cho tất cả khách hàng bị tác động bởi đợt dịch này, từ sau ngày 1-8 được giữ lại vé đến tháng 10-2021, thậm chí có thể xem xét lại thời gian sau đó. Với các hãng du lịch, VietJet Air cũng có chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tác.
Bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World thuộc Tập đoàn Sun Group, cho biết với khách lẻ, Sun World sẽ hoàn tiền vé 100% khi khách yêu cầu hoàn tiền nếu không thì gia hạn vé đến sáu tháng sau. Sau đó, nếu khách lại không muốn đi mà đề nghị hoàn tiền thì vẫn sẽ được giải quyết.
Chính sách cho các đối tác công ty lữ hành, đại lý du lịch trực tuyến cũng tương tự, nếu không cấp bách cần hoàn tiền công ty sẽ bảo lưu khoản đặt cọc để cấn trừ khi đối tác có đặt chỗ mới. Trong trường hợp đối tác cần tiền và sẽ không có khách để hợp tác nữa thì Sun World sẽ hoàn tiền, không tính phí phạt hủy hoãn.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý là với những khách hủy dịch vụ sát cận ngày thực hiện, chẳng hạn như đáng lẽ hôm nay khách đi đến sáng sớm cùng ngày mới báo hủy thì hai bên phải chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn Flamingo cũng cho biết, sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành và cho khách hàng bảo lưu dịch vụ đến một năm, với giá không đổi, thậm chí sẽ tốt hơn.
Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện nhiều hiệp hội du lịch địa phương cũng cho biết đang thảo luận với các thành viên để tìm cách giải quyết ổn thỏa tình trạnh hủy dịch vụ.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết, ước tính có khoảng 70% khách đặt phòng tại vùng Phan Thiết trong tháng 8 đã hủy. Hiện tại, đa số khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại đây đã hoàn lại tiền cho khách hàng.
"Theo nguyên tắc là việc hoãn, hủy dịch vụ sẽ được giải quyết căn cứ trên hợp đồng nhưng chúng tôi cho rằng nên chia sẻ với nhau để giữ hình ảnh điểm đến và mối quan hệ làm ăn lâu dài", ông nói và cho biết lượng khách chủ yếu của Phan Thiết đến từ các công ty lữ hành.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cũng cho biết, đã có hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước đã đáp lại lời kêu gọi hợp tác để giải quyết tình hoãn hủy tour của doanh nghiệp lữ hành TPHCM. Trong đó, đối tác từ Đà Nẵng và Quảng Nam cho biết sẽ hoàn lại 100% tiền đặt cọc.
Đào Loan
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online