(SGTT) - Với 20 năm kinh nghiệm làm bếp, anh Nguyễn Văn Cương, hiện đang là Bếp phó cao cấp tại Tập đoàn Đại Việt, vẫn không ngừng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để có thể đáp ứng công việc và làm hài lòng thực khách dù là trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
- Làm bếp: Khi nghề chọn người!
- Bếp trưởng Lãnh sự Nam Phi: từ thợ cơ khí đến đầu bếp thời 4.0
- Gặp gỡ chàng trai 9x nhưng có hơn 12 năm kinh nghiệm làm bếp
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị về câu chuyện gắn bó với con đường làm bếp không ít những thử thách nhưng cũng rất nhiều nhiều niềm vui. Đầu bếp Nguyễn Văn Cương, 38 tuổi, ngụ quận 1 TPHCM vẫn luôn lạc quan và tin tưởng về nghề nghiệp mình đã chọn cũng như háo hức chờ đợi khi thành phố đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để trở về nhịp sống thường nhật.
SGTT: Xin chào anh Cương, cơ duyên nào đưa anh đến với nghề bếp?
- Đầu bếp Nguyễn Văn Cương: Từ năm 17 tuổi, tôi đã bắt đầu học nghề làm bếp cùng cô, chú trong gia đình. Mẹ tôi cũng làm nghề nấu ăn, chuyên về tiệc cưới, vậy nên từ lúc nhỏ, quan sát món ăn mẹ chế biến, tôi cũng bắt đầu yêu thích và nhen nhóm giấc mơ đến với nghề bếp chuyên nghiệp.
Tôi bắt đầu công việc tại một nhà hàng ở đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. Gắn bó với nghề được 20 năm, tôi thấy mình có cơ hội làm việc ở nhiều nhà hàng khác nhau, vậy nên bản thân cũng có chút kinh nghiệm và học hỏi được nhiều điều thú vị về ẩm thực vùng miền.
Trên con đường đến với nghề bếp chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vậy với anh đó là những khó khăn nào?
Thử thách lớn nhất đối với người làm bếp là làm hài lòng thực khách khi thưởng thức món ăn. Đương nhiên đằng sau những lời khen, tôi cũng gặp phải những vị khách không hài lòng về món ăn mình chế biến. Tuy nhiên, làm bếp cũng giống như “làm dâu trăm họ”, không phải lúc nào mình cũng có thể làm hài lòng tất cả khách hàng được.
Chưa kể, người đầu bếp cũng phải hy sinh khá nhiều thời gian của mình. Thay vì ngày lễ, mọi người được nghỉ ngơi, thì đó lại là khoảng thời gian mà người làm bếp phải làm việc cật lực hơn bao giờ hết.
Vậy còn niềm vui trong công việc đầu bếp anh đang làm là những gì?
Niềm vui lớn nhất của tôi là khi thực khách thưởng thức và đón nhận món của mình. Đối với người làm bếp, món ăn chính là tâm huyết và công sức mà người chế biến đã dày công chăm chút. Khi món ăn đến với thực khách, cảm giác được khách hàng của mình công nhận và thưởng thức một cách ngon miệng là niềm hạnh phúc của người làm bếp như tôi.
Có một câu chuyện thú vị mà đến giờ tôi vẫn nhớ mãi. Lúc đó, tôi đang làm việc ở nhà hàng Golden Sand Mũi Né, có 2 vị khách người Nga vô nhà hàng yêu cầu muốn dùng thử món thuần túy Việt. Sau một hồi chọn lựa thì họ gọi món thịt ba chỉ hấp chấm mắm nêm.
Thật sư, lúc đó tôi nghĩ chắc sẽ không hợp khẩu vị với 2 vị khách đó bởi có mắm nêm (thông thường khách quốc tế không dùng quen các món mắm, nước chấm kiểu như vậy). Nhưng thật bất ngờ, 2 người khách rất ưng ý và cứ mãi tấm tắc khen ngon. Cảm giác lúc đó của tôi rất hạnh phúc vì thấy mình cũng quảng bá được một chút gì đó cho ẩm thực Việt đến với thực khách nước ngoài.
Với 20 năm kinh nghiệm làm bếp, chuyên về ẩm thực Việt, anh thấy điều gì thu hút thực khách yêu mến các món ăn Việt Nam?
Tôi thấy món ăn Việt Nam rất phong phú. Vị trong món Việt rất đa dạng và đậm vị, chính điều đó là một trong những lý do để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng thực khách khắp nơi. Chẳng hạn như món phở Việt Nam, bún chả Hà Nội, bún chả cá Nha Trang, bún bò Huế hay cơm tấm Sài Gòn. Muốn có được món ăn ngon mình phải có thời gian ướp thịt, hầm xương để có hương vị đậm đà, hấp dẫn. Điểm khác biệt của ẩm thực Việt là ngon từ thịt, ngọt từ xương ít lạm dụng gia vị nên sẽ có được cảm giác sâu lắng trong lòng thực khách.
Anh đã từng có cơ hội làm việc ở nhiều nhà hàng, nhưng làm sao để thích nghi cũng như đáp ứng được yêu cầu của mỗi nơi mình công tác?
Tôi nghĩ đó là kinh nghiệm và sự trải nghiệm của mình qua một khoảng thời gian. Tôi bắt đầu làm từ vị trí phụ bếp, những công việc nhỏ cho đến những vị trí cao hơn, những công việc quan trọng hơn. Cứ làm và trải nghiệm theo thời gian, điều đó khiến tôi có thêm kinh nghiệm và sự thích ứng nhanh chóng trong nhiều môi trường khác nhau.
Ngoài ra, khi đến làm việc ở bất cứ nơi nào, tôi đều dành thời gian để tìm hiểu về nơi mà mình gắn bó, chẳng hạn như nhà hàng thuộc phong cách nào, thực đơn của họ ra sao, mỗi một nhà hàng ở vùng miền khác nhau thì khẩu vị sẽ khác nhau.
Theo anh, để trở thành một người đầu bếp giỏi thì cần có những yếu tố nào?
Tôi nghĩ chúng ta cần phải có tình yêu với nghề, hơn nữa làm bếp bằng sự cần mẫn và siêng năng. Tôi mong các bạn trẻ khi bước chân vào con đường này sẽ giữ được sự nhiệt huyết, hết mình với nghề. Với những yếu tố này, chắc chắn chúng ta sẽ hái được quả ngọt. Hơn nữa, biết tiết kiệm cho chủ đầu tư cũng là một trong những điểm sáng để bạn dễ thích nghi với nhiều môi trường làm việc khác nhau.
Những gửi gắm của anh đến với các bạn trẻ đang có ý định và theo đuổi con đường nấu ăn chuyên nghiệp là gì?
Ngoài tình yêu với nghề bếp và sự siêng năng trong công việc, tôi nghĩ rằng, khi các bạn có ý định theo đuổi con đường này, cần trang bị cho mình sự nghiêm túc khi làm việc. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thử thách, sự hy sinh về mặt thời gian rất nhiều, nhưng nếu có đam mê và sự quyết tâm, chắc chắn các bạn sẽ chinh phục được khách hàng, kể cả những vị khách khó tính.
Cảm ơn anh đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích.