Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ở bếp bánh mỗi ngày đều là những niềm vui

(SGTT) - Năm 12 tuổi, chị Phạm Thị Thiên Hương đã tự tay làm ra chiếc bánh ngọt đầu tiên. Cứ thế, hành trình từ một cô bé yêu bánh cho đến giáo viên dạy nghề gói gọn trong con số 25 năm. Qua đó, chị Thiên Hương đã truyền lửa cho nhiều thế hệ học sinh, đầu bếp trẻ yêu thích bộ môn này.
Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương với tình yêu dành cho bếp bánh. Ảnh: NVCC

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương (49 tuổi), đến từ Tiền Giang, hiện đang sinh sống và làm việc ở Bình Dương. Chị hiện là giảng viên tại trường Bakery School Việt Nam – chuyên ngành giảng dạy các loại bánh mì, bánh ngọt và sô cô la. Mới đây, chị đã dành thời gian chia sẻ cùng Sài Gòn Tiếp Thị về chuyện đời, chuyện nghề.

SGTT: Chị nhen nhóm giấc mơ đến với bộ môn bếp bánh từ khi nào?

- Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ngay từ khi còn bé, tôi đã rất thích cảm giác được ngồi cạnh bếp lửa, coi các cô trong xóm nấu tiệc. Năm 8 tuổi, tôi tự mày mò học làm những món bánh dân gian như bánh phục linh, bánh ít trần. Nhớ nhất năm 12 tuổi, tôi tự tay làm được chiếc bánh đầu tiên dành tặng cho bà ngoại. Lúc đó ngoại đem bánh khoe khắp xóm và đó cũng chính là động lực để tôi thực hiện đam mê của mình.

Như vậy, chị đã đi làm và sống bằng nghề bánh từ rất sớm?

Tôi thấy mình may mắn khi có thể ghi nhớ nhanh những kiến thức đã học. Sau khi hoàn thành khóa học ở thị xã Gò Công, Tiền Giang, tôi quyết định mở tiệm bánh nhỏ để kiếm thêm thu nhập năm 17 tuổi. Lúc đó công việc chế biến bánh rất vất vả, mất nhiều thời gian, như công đoạn nướng bánh bằng bếp lửa, đánh kem bơ bằng tay, tìm mua nguyên liệu cũng khó thể đa dạng. Nhưng nhờ tình yêu với nghề đã giúp tôi kiên trì rồi dành dụm mua sắm từng chút một cho căn bếp đầy đủ. Sau 6 tháng mở tiệm, tôi mua được máy đánh cầm tay.

Năm 2014, chị có cơ hội làm việc ở Khách sạn 5 sao The Mira. Ảnh: NVCC

Cơ duyên khiến chị bén duyên với công việc giảng dạy?

Duy trì bếp bánh được một thời gian, năm 33 tuổi, tôi quyết định đến tỉnh Bình Dương làm việc tại cửa hàng bánh ABC. Làm việc một thời gian, tôi thấy mình không phù hợp với môi trường nên quyết định chuyển sang siêu thị Big C thử sức. Cũng từ đó mà tôi có cơ duyên đến với một lĩnh vực mới là làm bánh mì.  Công việc thuận lợi hơn khi năm 2014, tôi được mời sang The Mira Bình Dương với vị trí bếp trưởng bếp bánh và có cơ hội dạy nghề cho các em nhỏ khó khăn tại trường dạy nghề Rosa Biên Hòa.

Có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi, áp lực bởi khối lượng công việc quá nhiều hay không?

Thời điểm đó, mỗi ngày tôi phải ra khỏi nhà lúc 4:30 và đi làm về nhà lúc 23:00 giờ (một ngày chạy xe máy gần trăm cây số). Nhiều khi mệt nhưng không được làm nghề thì tôi càng thấy buồn và mệt mỏi hơn. Nhớ nhất là đợt dịch Covid-19, ở nhà mấy tháng liền khiến tôi nhớ nghề nhiều. Lúc đó, tôi mới thấy tình yêu của mình dành cho công việc này lớn đến mức nào. Cứ mỗi khi đối diện khó khăn, tôi luôn xem đó là cơ hội để bản thân phát triển. Vậy nên, tôi thấy chặng đường chinh phục bếp bánh và công việc đứng lớp không phải là áp lực, tất cả chính là cơ hội để tôi vượt lên chính mình.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị khi theo nghề bánh?

Nhớ lúc mang thai đứa con đầu lòng, tôi sắp đến kỳ sanh nở mà vẫn cặm cụi làm bánh. Hôm đó, tôi nhận đơn đặt bánh kem của khách hàng, cứ đinh ninh sức khoẻ tốt nhưng không ngờ lúc hoàn thành xong ổ bánh là tôi được chở đến bệnh viện để sinh con. Đến giờ cuộc sống của tôi đã ổn định và thoải mái hơn, con cái trưởng thành nên tôi dành thời gian trọn vẹn cho công việc.

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương giảng dạy lớp bánh mì tại Bakery School Việt Nam năm 2023. Ảnh: NVCC

Vậy niềm vui mà chị nhận được khi gắn bó với công việc này?

Dù đứng bếp làm bánh hay đi dạy, tôi đều có những niềm vui riêng. Nhưng cảm giác hạnh phúc nhất của tôi là thấy học trò mình có thể tự tin tìm công việc, tự lập cuộc sống qua chính kiến thức mà các em đã học. Tôi tham gia giảng dạy các lớp học ở trường và các chương trình thiện nguyện vươn ra cộng đồng, vậy nên đa phần các bạn học viên đều có hoàn cảnh kém may mắn. Nhìn thấy nỗ lực của các bạn khiến tôi càng thêm động lực để truyền thêm ngọn lửa nghề bánh đến thế hệ tiếp nối.

Chị có ấp ủ dự định nào để tiếp tục nhân rộng những lớp học vì cộng đồng dành cho bạn trẻ đam mê nghề bánh?

Ngoài công việc giảng dạy tại các trường, tôi vẫn dành thời gian và tâm huyết để duy trì những lớp học nhỏ dành cho học viên là trẻ em nghèo, mồ côi; chị em hưởng bảo hiểm thất nghiệp; bộ đội xuất ngũ. Học viên của tôi thật sự đặc biệt, từ những bạn 18 tuổi thậm chí đến 40 tuổi. Các bạn không hẳn đều là học sinh ở trường học, nhiều bạn mong muốn được học bánh tôi cũng sẵn sàng chạy xe đến tận nhà hướng dẫn. Vậy nên, việc giảng dạy không chỉ cho tôi được sống đúng với đam mê, mà nó còn giúp tôi thấy rõ giá trị cuộc sống qua việc giúp đỡ mọi người.

Theo chị, để trở thành một người làm bánh giỏi thì cần những yếu tố nào?

Thị trường bếp bánh cạnh tranh rất lớn, vậy nên, bạn cần phải nỗ lực không ngừng để tạo nên một sản phẩm không chỉ chất lượng mà còn phải đẹp mắt. Người làm bánh cũng đòi hỏi sự sáng tạo cao, tuy nhiên, tôi cho rằng nếu bạn kiên nhẫn, chăm chỉ thì chắc chắn sẽ trở thành một người đầu bếp giỏi trong tương lai. Vậy nên cứ hãy tin vào chính mình, giữ lấy ngọn lửa với bánh và chăm chỉ từng ngày.

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương đang thuyết trình phần thi bánh dân gian của mình tại Hội thi Bánh Dân gian - Lễ hội Bánh Dân gian Nam bộ năm 2024. Ảnh: NVCC

Ngoài tố chất của đầu bếp, người làm bánh cần chú ý thêm điều gì để đủ sức cạnh tranh trên thị trường bánh hiện nay?

Để tạo nên sự khác biệt, người làm bánh phải có kiến thức và hiểu nguyên liệu mình sử dụng để tạo hương vị đặc biệt nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần phải am hiểu về khẩu vị địa phương, tiếp đến là thẩm mỹ của chiếc bánh. Ngoài những yếu tố trên, điều quan trọng nhất mà tôi vẫn luôn nhắc nhở học trò chính là tình yêu của người đầu bếp dành cho sản phẩm của mình.

Trong hành trình theo đuổi đam mê, điều gì chị cảm thấy tự hào nhất?

Điều mà tôi luôn tự hào là những mối quan hệ yêu thương. Từ đồng nghiệp, học trò, bạn bè, chủ đầu tư đều luôn là món quà tinh thần vô giá mà tôi có được sau hơn 20 năm gắn bó với công việc này. Tôi không nghĩ kiến thức, kinh nghiệm làm nghề là thế mạnh, thay vào đó là sự chân tình, thật thà đã giúp tôi đem lại giá trị cho chính mình và mọi người. Hiện tại ngoài công tác giảng dạy, tôi vẫn duy trì việc làm bánh khi có khách hàng đặt hàng tại nhà, tham gia nhiều chương trình thiện nguyện.

Một số thành tích ẩm thực của đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Giải B tại Hội thi Bánh Dân gian - Lễ hội Bánh Dân gian Nam bộ năm 2024; giải Phong cách với món “Bánh ít trần hiện đại” tại Hội thi Bánh Dân gian - Lễ hội Bánh Dân gian Nam bộ năm 2024 và một số huy chương tại Cuộc thi Đầu bếp tài năng năm 2017, 2019…

Cảm ơn chị về những chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời!

Uyển Cầm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối