Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Đau đầu chuyện quản lý hướng dẫn viên

Minh Duy-

Tình trạng người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép, hướng dẫn viên dùng thẻ giả là những vấn đề gây chú ý tại thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, việc thiếu hướng dẫn viên nói một số ngôn ngữ cũng gây khó khăn trong việc tiếp đón du khách.

Người nước ngoài làm chui

Mới đây, một nhóm hướng dẫn viên du lịch tiếng Hoa ở Đà Nẵng vừa gửi đơn lên các cơ quan như UBND thành phố, Sở Du lịch trình bày về việc nhiều người Trung Quốc đến thành phố biển miền Trung này hướng dẫn du lịch trái phép, gây ảnh hưởng đến công việc của hướng dẫn viên trong nước. Người Trung Quốc thuyết minh về điểm đến trên xe chở khách du lịch và ngay tại điểm tham quan. Điều này trái với Luật Du lịch, vốn chỉ cho phép hướng dẫn viên người Việt Nam phục vụ du khách nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Thực ra, chuyện người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc, hướng dẫn du lịch trái phép là không mới. Mấy năm nay, nhiều công ty đã bị phạt nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, ngày càng khó phát hiện, khiến cơ quan quản lý chưa thể chấm dứt việc người nước ngoài hướng dẫn du lịch chui.

Nếu như năm ngoái, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phạt khá nhiều người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép thì tám tháng đầu năm nay, các trường hợp bị phát hiện ít hơn, chỉ có 11 người nước ngoài, trong đó có một người Đài Loan, hai người Trung Quốc và tám người Hàn Quốc bị xử phạt dù cơ quan quản lý đi kiểm tra liên tục, kể cả ngày cuối tuần, thậm chí nửa đêm.

“Chúng tôi không thể khẳng định không còn người Trung Quốc hướng dẫn du lịch tại Đà Nẵng, nhưng có thể nói rằng việc này gần như đã không còn xảy ra tại các điểm tham quan mà chỉ còn xảy ra trên xe chở khách, nơi cơ quan quản lý khó kiểm tra cũng như khó thu thập chứng cứ để phạt”, ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nói với Sài Gòn Tiếp Thị.

Tại Đà Nẵng, có tình trạng người Trung Quốc hướng dẫn khách du lịch nhưng khi kiểm tra thì phủ nhận, cho rằng chỉ là trưởng đoàn từ Trung Quốc sang để hỗ trợ dịch vụ. Vì thế, ngay cả khi phát hiện tại chỗ, có chụp hình cũng không phạt được mà phải có quay phim, ghi nhận để làm bằng chứng. Thậm chí, còn có tình trạng hướng dẫn viên trong nước chấp nhận cho người nước ngoài “núp bóng” để hướng dẫn khách. Khi bị phạt, hướng dẫn viên trong nước chịu lỗi thay, cho rằng đoàn đó do mình hướng dẫn nhưng sơ sót để người nước ngoài giới thiệu trong vài thời điểm nào đó. Có thể, hai bên có những thỏa thuận về lợi ích đằng sau nhưng đã làm cơ quản quản lý  khó xử lý vi phạm.

“Thực sự là rất khó để quản lý những vi phạm liên quan đến hướng dẫn viên, nhưng chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện một số biện pháp kiểm tra mới, áp dụng cho cả những thị trường khác như Hàn Quốc nhưng chưa thể công bố vì sợ người vi phạm biết sẽ tìm cách né tránh”, ông Cường nói.

Người nước ngoài làm hướng dẫn viên chui là vấn đề khó giải quyết nhưng theo cơ quan quản lý, tình trạng hướng dẫn viên trong nước dùng thẻ giả hoặc cho mượn thẻ để người khác làm việc trái luật cũng đang diễn ra nhiều và rất khó để chấm dứt dù số vụ việc bị phát hiện ngày càng nhiều. Trong tám tháng qua, Sở Du lịch Đà Nẵng đã xử phạt 49 hướng dẫn viên với tổng số tiền 145,2 triệu đồng, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái, do lỗi dùng thẻ hướng dẫn viên giả, dùng thẻ nội địa đi hướng dẫn quốc tế, cho người khác mượn thẻ để hoạt động hướng dẫn.

khach-han-quoc-tai-danang-1Du khách Hàn Quốc tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Minh Duy

Khan hiếm hướng dẫn viên tiếng Nhật, Hàn

Tám tháng đầu năm 2017, Đà Nẵng đón hơn 1,7 triệu lượt khách quốc tế. Ba thị trường lớn nhất của thành phố này là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi lực lượng hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hoa đang tăng cao, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm người phục vụ thì lực lượng hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Nhật Bản và Hàn Quốc lại thiếu trầm trọng.

Trong đó, thị trường lớn nhất là Hàn Quốc, nơi đem đến 594.000 lượt khách, tăng trưởng lên đến 106% trong tám tháng đầu năm qua. Chuyện khan hiếm hướng dẫn viên là vấn đề đau đầu của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. Thị trường Đà Nẵng có đặc điểm là khoảng 50% trong tổng số khách tự đi du lịch, 50% còn lại đi qua tour nên nhu cầu hướng dẫn viên du lịch rất lớn. Trong khi đó, số người có thẻ hướng dẫn viên của ngôn ngữ này lại rất ít, chưa đến 100 người. Nguy cơ thiếu trầm trọng có thể dẫn đến việc người nước ngoài đến phục vụ khách như chuyện của thị trường Trung Quốc.

Thị trường Nhật Bản cũng căng thẳng không kém. Với du khách Nhật, Đà Nẵng đang là điểm du lịch thu hút. Dòng khách đổ đến ngày càng nhiều nhưng lực lượng hướng dẫn viên, người phục vụ nói tiếng Nhật lại rất ít. Những người trong ngành cho rằng nếu không nhanh chóng giải quyết thì dòng khách này có thể sẽ đến ít hơn trong thời gian tới.

Trong một lần trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty du lịch JTB-TNT, cho rằng nguồn nhân lực đang là rào cản trong việc phát triển thị trường Nhật Bản của Đà Nẵng. Nguồn nhân lực thiếu đến nỗi đã có những thời điểm công ty phải tạm dừng bán tour đến Đà Nẵng vì không đủ hướng dẫn viên để phục vụ.

“Trong các điểm đến ở Việt Nam, Đà Nẵng hiện là điểm đến thu hút nhất với khách Nhật. Đối tác liên tục yêu cầu phải cung cấp đủ nhân viên du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Nhật nhưng rất khó để tìm đủ người”, ông nói.

[box] Hướng dẫn viên tiếng Hoa khó tìm việc

Theo thông tin từ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và một số doanh nghiệp, cơ hội làm việc của hướng dẫn viên tiếng Hoa ở Đà Nẵng hiện kém hơn trước vì có thêm hàng trăm người lao động mới tham gia thị trường.

Cụ thể, trong tám tháng đầu năm nay có 394.000 lượt khách Trung Quốc đến Đà Nẵng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng ba năm trước, cả thành phố này có khoảng 100 hướng dẫn viên tiếng Hoa, nay con số này đã là 623 cộng với khoảng 200 hướng dẫn viên tiếng Hoa vãng lai, từ các địa phương khác đến.

Nguồn nhân lực dồi dào hơn khiến hướng dẫn viên phải cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động. “Thị trường đang bị chia sẻ. Hướng dẫn viên tiếng Hoa không dễ dàng có đoàn như trước nữa. Trước đây, nếu bình thường mỗi người có từ 6-8 đoàn để phục vụ thì nay số lượng đoàn ít hơn, công tác phí cũng ít hơn”, ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối