Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Đau đầu chuyện vắc xin

(SGTTO) - Hiện nay, nhiều phụ huynh lo lắng về việc tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ sơ sinh vì những sự cố vắc xin ComBo Five trong thời gian qua.

Phụ huynh ở thành phố tìm bằng được vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 để chích ngừa cho con. Cha mẹ ở các tỉnh lẻ hiện cũng đang cố gắng lên các thành phố lớn để xin tiêm vắc xin dịch vụ. Nhiều người đã theo phong trào anti vắc xin (tẩy chay vắc xin) khiến dịch sởi quay trở lại, ho gà cũng xuất hiện nhiều hơn…

Sẵn sàng bỏ chi phí gấp đôi

Vắc xin ComBE Five ngừa 5 bệnh cho trẻ nhỏ (gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib) được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia (miễn phí) hồi cuối năm 2018. Đến nay, cả nước đã có trên 360.000 liều vắc xin ComBE Five được sử dụng chích ngừa cho các trẻ, trong đó 3 ca tử vong sau tiêm được hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân do phản ứng của vắc xin với cơ địa quá mẫn cảm.

Tại TPHCM, một trung tâm tiêm chủng dịch vụ tư nhân luôn đông đúc trẻ sơ sinh cần chích ngừa vắc xin. Chị Nguyễn Thị Thơm ngụ tại quận Gò Vấp đưa con tiêm vắc xin “6 trong 1” cho biết, chị đưa con đi chích ngừa mũi đầu tiên. Khi hỏi chị, sao không đưa bé đến phường chích cho đỡ tốn kém, không phải đi xa xôi, bụi bặm, chị Thơm cho biết, do đọc và nghe nhiều nơi trẻ chích xong bị tai biến, tử vong nên rất sợ.

Nhiều phụ huynh ở tỉnh lẻ, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, cha mẹ sẵn sàng tìm kiếm vắc xin dịch vụ để chích ngừa cho con. Chị Trần Thị Ngọc ở Thanh Hoá nhưng ra tận Ninh Bình để chích vắc xin cho con với giá 1,1 triệu đồng, trong khi giá vắc xin dịch vụ 5 trong 1 (Infanrix) trung bình từ 680.000 đồng đến 750.000 đồng/liều. Giá vắc xin 6 Hexaxim dao động từ 974.200 đồng đến 1.000.000 đồng/liều.

Không những vậy, nhiều phụ huynh tất tả tìm kiếm nhiều điểm tiêm dịch vụ nhưng vẫn không có thuốc. Không ít người phải chở con vài trăm cây số ra Hà Nội để được chích ngừa.

Dịch bệnh sẽ quay lại

Hiện nay, do lo sợ phản ứng sau tiêm chủng, nhiều người đã đi theo tiếng gọi của phong trào anti vắc xin, dẫn đến sự gia tăng của dịch sởi trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi tình trạng do dự tiêm vắc xin, tiêm vắc xin muộn hoặc từ chối tiêm vắc xin là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019.

Mặc dù sự quay trở lại của bệnh sởi không thể vì một nguyên nhân duy nhất, nhưng việc cha mẹ không cho con tiêm vắc-xin hay anti vắc xin là một trong những nguyên nhân chính khiến sởi bùng phát trở lại.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, năm 2018, TPHCM có 1.693 ca mắc sởi. Tuy nhiên, mới từ đầu năm 2019 đến nay toàn thành phố đã có 2.586 ca sởi (ca lâm sàng và xét nghiệm), nhiều nhất là Bình Tân (467 ca). Trong số ca mắc, có 47% trẻ không tiêm chủng, trẻ em dưới 9 tháng tuổi chiếm 14%, 37% không rõ tiền sử tiêm chủng, 13% trẻ có tiêm chủng 1 mũi. Nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi và trên 16 tuổi có dấu hiệu tăng.

Ngành y tế cho rằng, lo ngại việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường. Theo WHO, việc không tiêm vắc xin sởi là nguyên nhân chính làm tăng tới gần gấp đôi số trường hợp mắc sởi trên phạm vi toàn cầu trong năm 2018 (so với năm 2017).

Ngoài ra, bệnh ho gà (một trong những bệnh có thể gây tử vong ở trẻ), mà Việt Nam từng khống chế tốt cũng đang quay trở lại.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định: “Chống vắc xin là có tội với sức khoẻ dân tộc”. Tỉ lệ trẻ không chích ngừa và không biết để chích ngừa hiện đang nằm điều trị tại khoa nhiễm chiếm đến 80% số trẻ. Đã có những em bé phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ cố tình hoặc không biết nên không tiêm vắc xin cho con.

Chia sẻ về việc phản ứng không mong muốn khi tiêm vắc xin, bác sĩ Khanh khẳng định, chuyện này mang tính cá thể và cơ địa. Do đó, nhà sản xuất chỉ giảm đến mức thấp nhất tình trạng này chứ không bỏ vắc xin.

Bình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối