Lê Anh -
Đại diện các hãng hàng không và chuyên gia đều cho rằng việc đưa máy bay đậu qua đêm tại sân bay Cần Thơ để giảm tải cho Tân Sơn Nhất, như đề nghị của Cục Hàng không, là thiếu khả thi. Nếu thực hiện sẽ đẩy chi phí của các hãng tăng khiến giá vé máy bay cũng tăng theo.
Máy bay phải đi theo khách
Theo Cục Hàng không, phương án của cục nhằm mục tiêu khuyến khích các hãng bay đến Cần Thơ, sau đó mới là giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Trong ảnh, máy bay đang đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau khi nhận được đề nghị từ Cục Hàng không, hiện tại các hãng đang nghiên cứu tính toán chi tiết phương án này để báo cáo cơ quan chức năng trước ngày 30-1-2017. Mặc dù chưa có những tính toán cụ thể nhưng đại diện của một hãng hàng không trong nước cho biết, qua tính toán sơ bộ nếu đưa máy bay đậu qua đêm ở Cần Thơ sau đó sáng bay lên Tân Sơn Nhất để chở khách thì chi phí bình quân là 200 triệu đồng (cho cả lượt đi và về). Đó là chưa kể đến chi phí trả cho các nhân viên kiểm tra máy bay, nhân viên mặt đất, chỗ ở cho phi hành đoàn...
Trong kinh doanh hàng không, việc đậu máy bay ở sân bay nào còn phải căn cứ vào nhu cầu đi lại của hành khách. Để bảo đảm hiệu quả kinh doanh, các hãng thường chọn đậu máy bay qua đêm tại những sân bay mà hành khách có nhu cầu đi lại cao như Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM), Cát Bi (Hải Phòng), Cam Ranh (Khánh Hòa) hoặc Đà Nẵng để sáng sớm hôm sau có thể bay đi các sân bay khác.
Còn đối với đường bay TPHCM-Cần Thơ, hiện tại lượng khách không nhiều nên số chuyến bay đến sân bay này cũng rất ít, nếu bay mà không có khách các hãng khó bù đắp được chi phí. “Dù có khách hay không hàng ngày máy bay vẫn phải vận hành đúng quy trình khai thác nên nếu đưa máy bay về Cần Thơ đậu thì chi phí của hãng sẽ tăng rất cao”, vị đại diện này lý giải.
Vị này cho biết thêm, năm 2017, dự kiến một số loại giá, phí khai thác sẽ điều chỉnh tăng, nếu bắt buộc các hãng đậu máy bay qua đêm ở Cần Thơ sẽ làm nâng chi phí đầu vào của các hãng hàng không, khi đó, giá vé máy bay sẽ tăng mạnh.
Nên chọn giải pháp đơn giản hơn
Không chỉ người trong cuộc (các hãng hàng không) thấy không khả thi mà các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng phương án của Cục Hàng không nếu thực hiện sẽ rất lãng phí và làm giá vé tăng cao. Vì thế các chuyên gia cho rằng nên chọn giải pháp đơn giản và hiệu quả hơn.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, cho rằng phương án đưa máy bay về đậu ở Cần Thơ để giảm tải cho Tân Sơn Nhất là không khả thi. Ông phân tích, từ TPHCM xuồng Cần Thơ theo đường chim bay thì chỉ có 140 km, song việc vận hành máy bay lên xuống tổng cộng là bốn lần trong một khoảng cách ngắn sẽ rất tốn nhiên liệu và hao mòn máy móc. Đó là chưa kể đến các chi phí phát sinh khác như bảo dưỡng máy bay, chỗ ăn ở cho phi công. “Chưa tính toán cụ thể cũng đã biết phương án này 100% không khả thi”, ông nói.
Theo ông Sành, để giải quyết tình trạng quá tải ở Tân Sơn Nhất chỉ cần thu hồi 157 ha diện tích làm sân gôn trong sân bay, như vậy sẽ làm thêm được 50 chỗ đậu máy bay, một nhà ga quốc tế với công suất 15 triệu lượt hành khách/năm.
Một cựu phi công (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết, nếu đậu máy bay ở Cần Thơ rồi sáng sớm bay về lại Tân Sơn Nhất để chở khách thì thiệt hại về kinh tế cho các hãng là rất lớn, giảm khả năng cạnh tranh cho các hãng không chỉ trong nước mà cả đối với nước ngoài. Với loại máy bay thương mại A320 nếu bay TPHCM-Cần Thơ, khoảng cách hơn 100 km, máy bay vừa cất cánh lên chưa được bao lâu rồi lại hạ cánh thì rất tốn kém nhiên liệu mà lại vô ích vì đường bay này ít khách.
Vị này cho biết, trong hàng không giai đoạn khó nhất là hạ, cất cánh. Theo quy trình khai thác, khi máy bay hạ cánh lập tức phải có công nhân dọn vệ sinh trên máy bay, nhân viên kỹ thuật phải kiểm tra, bảo dưỡng, nạp nhiên liệu... “Nếu mang máy bay đậu ở Cần Thơ thì nhân viên, dịch vụ kỹ thuật, trang thiết bị chuyên dùng lấy ở đâu? Khi máy bay trở lại Tân Sơn Nhất thì vẫn phải kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra an ninh. Đây là một sự lãng phí, tốn kém không cần thiết”, vị cựu phi công này nói.
Theo vị này, quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay Tân Sơn Nhất được quy hoạch khoảng 1.500 ha, tuy nhiên hiện nay mới sử dụng 850 ha. Vậy tại sao không nhanh chóng mở rộng thêm để giảm quá tải mà phải đi tìm những phương án không khả thi? Sân bay Check Lap Kok của Hồng Kông có diện tích 1.200 ha, đang khai thác 45 triệu khách/năm và có thể đáp ứng 70 triệu khách/năm. Nếu diện tích của Tân Sơn Nhất được mở rộng lên tương đương sân bay Check Lap Kok thì sẽ giải quyết được vấn đề quá tải.
Trước ý kiến của các chuyên gia và các hãng hàng không cho rằng phương án mang máy bay đậu ở sân bay Cần Thơ là không khả thi, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh giải thích với Sài Gòn Tiếp Thị rằng phương án của cục nhằm mục tiêu khuyến khích các hãng bay đến Cần Thơ, sau đó mới là giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Để có nhiều chuyến bay đến Cần Thơ, Cục Hàng không sẵn sàng giảm phí đậu máy bay qua đêm, tạo điều kiện về trang thiết bị khai thác để các hãng có thể bay vào sáng sớm. Khi thị trường Cần Thơ mạnh lên, các hãng hàng không có thể làm căn cứ đậu máy bay qua đêm ở đây, từ đó giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Thanh khẳng định, cơ quan quản lý sẽ đưa ra ưu đãi để các hãng lên kế hoạch khai thác. Còn việc thực hiện là do các hãng tự quyết định theo bài toán kinh tế của riêng từng hãng, cơ quan quản lý không đưa ra mệnh lệnh hành chính để ép các hãng đưa máy bay về đậu ở Cần Thơ.