Trung Chánh -
Đưa công nghệ vào sản xuất có thể giúp nông dân nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động hơn trong việc theo dõi các chỉ số môi trường ao nuôi để phòng ngừa tốt hơn các loại dịch bệnh có thể xảy ra. Thế nhưng, với chi phí đầu tư lớn, việc áp dụng công nghệ vào ao tôm xem ra rất khó bởi đa phần nông dân có quy mô nuôi nhỏ lẻ và tài chính yếu.
Nghe thì thích
Tại hội nghị “Ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ tuần rồi, bà Lê Thị Sol Pha, thuyết trình viên của Công ty cổ phần công nghệ AQUAMEKONG, cho biết các yếu tố quyết định đến thành của hoạt động nuôi tôm, gồm tôm giống khỏe mạnh, môi trường ao nuôi được kiểm soát tốt, nhất là về chỉ số pH, độ mặn, nhiệt độ, nồng độ oxy, hệ vi sinh và các loại vi khuẩn gây bệnh.
Muốn vậy, theo bà Pha, việc chủ động kiểm soát các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tôm để phòng ngừa và ứng phó là việc làm cần thiết. “Với hệ thống thiết bị phát hiện bệnh nhanh của chúng tôi sẽ phần nào giúp nông dân chủ động được vấn đề đó”, bà giới thiệu.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội nghị, ông Võ Quang Tuyến, chuyên gia an toàn sinh học và tự động hóa của Công ty AquaBox, cho biết thiết bị quan trắc môi trường ao nuôi do đơn vị này phát triển sẽ giúp nông dân chủ động trong phòng ngừa được dịch bệnh thông qua hệ thống cảnh báo mối nguy được kết nối tự động.
Theo ông Tuyến, việc xác định số lượng các chỉ tiêu cần thực hiện quan trắc trong ao nuôi được dựa trên mật độ thả trong ao. Ông ví dụ, nuôi thâm canh với mật độ 400-500 con/mét vuông thì phải quan trắc khoảng chín chỉ tiêu, nhưng nếu nuôi với mật độ 150-200 con/mét vuông như mô hình đang triển khai ở Cần Giờ (TPHCM) thì chỉ cần làm bốn chỉ tiêu.
Ông Tuyến cho biết, thiết bị được sử dụng để quan trắc các chỉ tiêu của ao nuôi là một dụng cụ có kích thước khoảng 15 cm được thiết kế nằm trong một cái phao, có thể di chuyển dễ dàng trên mặt ao. “Ở trong đó, nếu chỉ cần kiểm tra bốn chỉ tiêu thì có bốn đầu dò nằm trong đó; nếu có sáu chỉ tiêu thì có sáu đầu dò”, ông giải thích. Đầu dò của thiết bị này sẽ thu thập dữ liệu từ ao nuôi (pH, nhiệt độ, độ mặn, nồng độ oxy…) rồi truyền sang trung tâm phân tích, xử lý dữ liệu gọi là data loger. “Khi phân tích xong, nó sẽ đẩy dữ liệu sang một phần mền và phần mềm này sẽ thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các mối nguy”, ông cho biết.
Xét về chi phí đầu tư, theo ông Tuyến, tùy vào thiết bị có bao nhiêu đầu dò cần có trong ao nuôi sẽ có những mức giá khác nhau. Hiện nay, thiết bị này có giá dao động trong khoảng 50-300 triệu đồng.
...nhưng sợ chi phí
Nói về chi phí đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Chiểu, nông dân nuôi tôm ngụ ấp Kinh Tư, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, thành viên của Hợp tác xã nuôi tôm Cái Bát, huyện Cái Nước, cho rằng những trang thiết bị như nêu trên có sức hấp dẫn đối với những người đang nuôi tôm như ông. “Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nuôi tôm như vậy là điều rất tốt, nhưng nông dân chúng tôi đa số là hộ nuôi nhỏ lẻ, tài chính có hạn, thì làm sao làm (đầu tư) nổi”, ông nói.
Ông Triệu Xuân Hòa, nông dân nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết thời gian qua có không ít đơn vị đến mời chào đầu tư hệ thống nhà nuôi và lót bạt ao nuôi tôm. Song với chi phí đầu tư lên đến 100 triệu đồng/mét vuông nên ông đành từ chối. “Không chỉ hộ nuôi nhỏ, ngay cả các hợp tác xã cũng khó lòng đầu tư nổi với mức chi phí quá cao như vậy”, ông Hòa giải thích.
Riêng việc đầu tư máy móc, thiết bị kiểm soát môi trường ao nuôi, do chi phí đầu tư lớn nên ông Hòa quyết định thực hiện theo cách thủ công, tức mua các loại dụng cụ đo bằng tay, chứ không đầu tư hệ thống quan trắc tự động như đã nêu ở trên.
Chẳng hạn, để kiểm tra độ pH trong ao nuôi, ông Hòa mua một hộp dụng cụ đo độ pH với giá 150.000 đồng và sử dụng được khoảng 300 lần thử. Trong hộp dụng cụ có ống nghiệm bằng ngón tay, được chia vạch và khi người nuôi muốn kiểm tra độ pH trong ao thì dùng ống nghiệm lấy nước từ ao lên, sau đó nhiễu hoạt chất thử độ pH (đi kèm trong hộp đo) vào để xác định nồng độ pH trong ao thông qua kết quả được hiển thị trên ống nghiệm.
Theo ông Hòa, cách làm này tương đối cực vì phải phải kiểm tra mỗi ngày, và không chỉ riêng mỗi chỉ số pH mà còn nhiều chỉ số khác nữa nên rất mất thời gian. “Nó không giống như việc thực hiện quan trắc bằng máy và truyền dữ liệu tự động lên phần mềm như một số công nghệ hiện nay. Thế nhưng, xét về chi phí đầu tư, thì việc kiểm tra theo cách này hiện nay vẫn có thể chấp nhận được vì ít tốn kém hơn, dù có mất thời gian”, ông giải thích.