Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Đầu vào khổng lồ, đầu ra tí hon

Ngày 11-11 hàng năm được xem là ngày dành cho những người độc thân ở Trung Quốc kể từ năm 1993 và vài năm trở lại đây trở thành ngày mua sắm trực tuyến tại đất nước có 1,357 tỉ dân này. Vào ngày này, vài trăm triệu người mua một khối lượng hàng hóa trị giá 9 tỉ đô la Mỹ qua mạng. Nhưng, nhấp chuột mua hàng là một chuyện, hàng có đến tay hay không lại là chuyện khác.

Bà Jiang, chủ một tiệm bánh ở thành phố Urumqi phía Tây Trung Quốc chi 2.000 nhân dân tệ (325 đô la Mỹ) mua bình lọc nước và các đồ dùng nhà bếp, và có lẽ sẽ mua nhiều hàng hơn nếu bà có niềm tin rằng các sản phẩm đặt mua nhanh chóng đến tay mình và không hư hại. “Tôi không mua nhiều vì công tác vận chuyển và hậu mãi khiến tôi lo lắng”, bà nói, “Nếu tôi có hàng mình đặt trong 10-15 ngày là tôi vui rồi”.

Thị trường mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Số lượng mặt hàng lớn và giá rẻ của các công ty bán hàng trực tuyến khiến người Trung Quốc có khuynh hướng lướt mạng trước khi mua mọi thứ, từ đồ thời trang, hàng điện tử đến giấy vệ sinh, bàn chải răng. Thị trường mua sắm trực tuyến Trung Quốc đã lớn hơn của Mỹ và vào năm 2020, theo hãng kiểm toán KPMG, nó sẽ bằng của Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cộng lại.

Vận chuyển và giao hàng vẫn còn nhiều khiếm khuyết ở Trung Quốc.
Vận chuyển và giao hàng vẫn còn nhiều khiếm khuyết ở Trung Quốc.

Nhưng chuyển phát hàng đến tay người mua là vấn đề lớn đối với thị trường này bởi hàng thập kỷ qua cơ sở hạ tầng hậu cần nội địa chưa được đầu tư đúng mức và vẫn còn những rào cản do luật lệ địa phương còn lạc hậu. “Tưởng tượng rằng chúng tôi có 30 đội bóng rổ lớn, có thể chơi ở giải NBA nhưng chỉ có vài sân để thi đấu”, Shen Haoyu, Giám đốc điều hành của JD.com, một trong những trang web thương mại điện tử hàng đầu ở Trung Quốc, ví von.

Vận chuyển hàng ở Trung Quốc cũng thiếu hiệu quả, đến mức cả nước này chi đến 18% tổng sản phẩm quốc nội vào khâu hậu cần trong năm 2013, cao hơn 6,5% so với trung bình toàn cầu và 9,5% so với các nước phát triển như Mỹ, theo Fox Chu, Giám đốc phụ trách về hạ tầng và vận chuyển khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Tư vấn Accenture. “Chuyển hàng từ Phúc Kiến đến Bắc Kinh đắt hơn là chuyển hàng từ Bắc Kinh đi California”, ông nói. Từ Phúc Kiến tới Bắc Kinh chỉ có khoảng 2.000 km.

Một kho hàng của JD.
Một kho hàng của JD.

Gần đây, cả Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất và đối thủ JD.com nhỏ hơn đều cố gắng tìm cách vận hành hiệu quả hơn. Alibaba đầu tư 100 tỉ nhân dân tệ (16,3 tỉ đô la) vào sáng kiến kết hợp với các công ty bên thứ ba vận chuyển hàng. Ý tưởng là thành lập một liên minh sử dụng dữ liệu khách hàng của Alibaba để dự báo trước các đơn hàng, từ đó lập kế hoạch vận chuyển có hiệu quả hơn.

JD.com thì xây dựng các kho hàng riêng và tự vận chuyển hàng của họ. Hiện tại, họ có thể vận chuyển hàng trong ngày ở 100 thành phố, và chuyển hàng đến nơi sau một ngày ở 600 thành phố khác, theo Giám đốc điều hành Shen Haoyu.

Hàng đến trong ngày chỉ có ở các thành phố lớn và ở vùng duyên hải phía Đông. Zhang Rui, một người sống ở Bắc Kinh, không còn mua những mặt hàng thiết yếu ở các cửa hàng nữa. “Tất cả mọi thứ trong nhà tôi mua qua mạng, từ gạo, rau, muối, dầu ăn, xà bông…”, Zhang Rui cho biết. Nhưng với bà Jiang sống sâu trong lục địa thì khác. Bà cho biết người đưa hàng từ chối vác kiện hàng nặng cho bà lên căn hộ trên gác. Họ cũng chẳng đợi cho đến khi bà mở kiện ra xem những hàng hóa bà đặt mua có bị hư hại hay không. An toàn cũng là một vấn đề. Cuối năm 2013, một người chết và bảy người bị thương sau khi chất lỏng độc hại của một công ty hóa chất rỉ vào các kiện hàng khác được vận chuyển cùng.

Chuyển hàng thực sự gặp vấn đề vào ngày độc thân (Singles’ Day), ban đầu được hiểu như ngày cho những người độc thân mua sắm để tạm quên đi sự cô đơn. Vào đêm 11-11, các mặt hàng từ 278,5 triệu đơn hàng đặt trong ngày khuyến mại Singles’ Day qua các trang thương mại điện tử của Alibaba bắt đầu lên tàu xe để đến mọi vùng. Xe tải lớn đưa hàng từ kho lớn đến các trung tâm phân phối nhỏ, từ đây hàng trăm ngàn người đưa từng gói hàng đến người đặt mua.

“Trung Quốc quá rộng, chúng tôi không thể mua thật nhiều đất để dựng kho hàng, do đó chúng tôi phải tính toán rất kỹ”, Daniel Zhang, Giám đốc vận hành của Alibaba nói. Alibaba mở chung kho với các đối tác vận chuyển như YTO Express. Năm ngoái, 13 năm sau khi thành lập, 130.000 nhân viên của YTO đã chuyển 1,5 tỉ đơn hàng ở khắp Trung Quốc. Trong ngày Singles’ Day, YTO thuê thêm 30.000 công nhân tạm thời nữa. Họ có kế hoạch mua chiếc máy bay đầu tiên trong năm tới.

JD.com tập trung xây dựng hệ thống vận chuyển riêng cho họ. Một chiến lược trở thành FedEx của Trung Quốc khiến họ tốn rất nhiều tiền của nhưng họ quyết tâm theo hướng này. Họ tổ chức lao động vận hành theo “ergonomics”, khoa học nghiên cứu, thiết kế dụng cụ và môi trường làm việc phù hợp với người lao động: các nhân viên chạy với tốc độ nhanh nhất, các giỏ hàng xếp đầy nhất…

Và điều quan trọng nhất, theo giám đốc Shen, là huấn luyện những người giao hàng trở thành “bộ mặt của JD.com”. Zhu Sichang, 29 tuổi là một “bộ mặt” như thế, anh nói thời gian ưa thích nhất của anh là sau khi đưa kiện hàng lên mấy tầng lầu giao cho người mua. “Họ thấy tôi mồ hôi nhễ nhại, mời tôi ly nước và cám ơn tôi”, anh nói.

Thái Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối