Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Đấu với “người khổng lồ”

MINH DUY -

Tuần rồi, Pegas Touristik, một công ty du lịch lớn của Nga, đã làm việc với các cơ quan chức năng trong nước, đề nghị ủng hộ họ lập hãng hàng không tại Việt Nam nhằm mục đích chuyên chở khách du lịch quốc tế, trong đó đa phần là khách Nga đến du lịch.

Sau bốn năm hợp tác với công ty du lịch trong nước để phục vụ cho hơn 500.000 lượt khách Nga sang nghỉ dưỡng, mới đây Pegas Touristik đã mở công ty quản lý khách sạn, công ty du lịch tại Việt Nam. Trong thời gian tới, nếu được phép lập hãng hàng không tại Việt Nam thì công ty này gần như đã tạo nên một vòng tròn dịch vụ, từ thu hút nguồn khách tại thị trường nội địa, vận chuyển đến điểm đến và cung cấp dịch vụ khách sạn cho khách hàng. Doanh nghiệp trong nước có rất ít cơ hội để chen vào chuỗi cung ứng này, trừ một vài dịch vụ như ăn uống, vận chuyển mặt đất.

Lượng khách Nga đến Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng khá đông. Pegas Touristik, một công ty du lịch của Nga, muốn khép kín chuỗi cung ứng, từ tổ chức nguồn khách đến cả cung cấp dịch vụ.    Ảnh: Đào Loan
Lượng khách Nga đến Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng khá đông. Pegas Touristik, một công ty du lịch của Nga, muốn khép kín chuỗi cung ứng, từ tổ chức nguồn khách đến cả cung cấp dịch vụ. Ảnh: Đào Loan

Việc Pegas Touristik tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và thắt chặt chuỗi cung ứng dịch vụ không nằm ngoài dự báo của giới kinh doanh du lịch. Đây cũng là xu hướng của các công ty du lịch lớn của thế giới. Những công ty này chỉ cần đối tác nước sở tại khi họ chưa quen thị trường, còn khi đã “rành đường đi nước bước” thì họ sẽ thành lập những chân rết tại nước đó để vừa tự tổ chức nguồn khách vừa cung cấp các dịch vụ phục vụ.

Du khách đến nhiều, thị trường du lịch sẽ sôi động hơn nhưng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như quy mô của phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay, sẽ ngày càng khó khăn để cạnh tranh được với những tập đoàn đa quốc gia.

Vậy làm sao để cạnh tranh được? Theo nhiều doanh nghiệp, trước hết phải tự nhận thấy nguy cơ bị hất cẳng để chuẩn bị cho những bước tiếp theo.

Với những công ty đang hợp tác với đối tác nước ngoài, thay vì chỉ thụ động làm theo yêu cầu của đối tác thì cần tự học hỏi cách bán hàng, cách chăm sóc khách để có thể tự phát triển thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm cạnh tranh được khi phải đứng một mình.

Cái khó của doanh nghiệp du lịch Việt Nam là quy mô nhỏ, có ít công ty có thể ra nước ngoài lấy khách tại nguồn mà đa số đều phải qua đối tác tại nước đó. Vì thế, để cạnh tranh được, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng, cải thiện giá bán. Một số công ty đã bắt tay vào cuộc, đang dần hoàn chỉnh quy trình quản lý để cắt giảm chi phí, nâng cao khả năng làm việc của nhân viên, tận dụng dịch vụ nội bộ (với những công ty lớn, có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhau), ký hợp đồng chiến lược với các đối tác dịch vụ như khách sạn, vận chuyển, thậm chí tham gia vào việc cung cấp dịch vụ hàng không để có lợi thế về dịch vụ.

Tổng giám đốc một công ty du lịch lớn trong nước cho rằng trong xu hướng cạnh tranh mới, không chỉ là doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau mà phải cạnh tranh với doanh nghiệp đa quốc gia. Trong cuộc cạnh tranh này, doanh nghiệp trong nước vẫn có lợi thế nếu hoàn thiện được dịch vụ, đảm bảo là nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương tốt nhất, buộc doanh nghiệp nước ngoài phải cần đến khi đem khách sang vì điều này giúp họ cạnh tranh tốt hơn so với việc bỏ chi phí mở công ty để quản lý, điều hành dịch vụ tại địa phương.

Theo vị tổng giám đốc trên, doanh nghiệp nếu không tự lấy khách tại nguồn thì nên chọn cách “nương theo sóng”, phải tự hoàn thiện mình để cùng phát triển với xu hướng mới cũng như phải liên kết, phải đứng lại với nhau để tạo nên “chuỗi cung ứng dịch vụ vàng” nhằm có giá cả, dịch vụ tốt nhất, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Có như thế, những doanh nghiệp nhỏ mới có thể sống sót khi phải đối đầu với những gã khổng lồ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối