Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Dấu xưa còn lại trên chợ nổi Ngã Năm

Du lịchHành trình - Điểm đếnDấu xưa còn lại trên chợ nổi Ngã Năm
(SGTT) - Chợ nổi Ngã Năm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 60km, đây là chợ nổi có bề dày lịch sử hơn trăm năm, mang đậm văn hóa sông nước một thời của vùng sông nước đất Cửu Long. 

Tên gọi Ngã Năm xuất hiện khi người Pháp đào kênh quản lộ Phụng Hiệp, cùng với kênh Xáng cắt ngang kênh Xẻo Chích tạo thành năm nhánh sông, từ Ngã Năm xuôi về các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau.

Ngay khi mới hình thành Ngã Năm, người dân nơi đây đã nhanh chóng tụ họp giao thương buôn bán và chợ nổi Ngã Năm cũng từ đây xuất hiện.

Chợ nổi Ngã Năm thời còn sầm uất. Nguồn ảnh: Chợ nổi Ngã Năm

Nhưng kể từ sau đại dịch Covid-19, nhiều thương hồ bỏ ghe, một số khác vì sự phát triển thuận lợi của giao thông đường bộ, việc đi lại dễ dàng hơn, khiến các hoạt động buôn bán trên ghe, thuyền cũng vắng nhiều.

Do đó, dù từng là chợ nổi sầm uất và náo nhiệt một thời, giờ chợ nổi Ngã Năm hiện cũng chỉ còn lác đác vài chục ghe, xuồng lớn chuyên chở hàng hóa sỉ được neo đậu cặp nhánh sông đi Phụng Hiệp.

Chợ nổi được hình thành trên năm nhánh sông đổ về năm ngả: Vĩnh Quới, Thạnh Trị (Sóc Trăng);  Long Mỹ, Phụng Hiệp (Hậu Giang) và Cà Mau.
Vài chục ghe, xuồng neo đậu cặp nhánh sông đi Phụng Hiệp.
Hoạt động buôn bán vẫn diễn ra nhưng có nhiều thay đổi. Trước đây, chợ nổi Ngã Năm thường bắt đầu nhóm chợ vào lúc 3:00-4:00 giờ sáng đến 5:00-6:00 giờ là thời điểm đông đúc nhất, ghe xuồng từ khắp nơi tụ về chen chúc giữa khúc sông. Khi mặt trời dần lên cao, lúc này ghe xuồng cũng được chất hàng và được người dân chở đi các vùng lân cận để bán.
Những năm về trước, khi ghe, xuồng đông đúc, để giúp bạn hàng nhận diện được mặt hàng muốn mua, các thương hồ thường treo mặt hàng cần bán trên cây bẹo. Cây bẹo trở thành phương tiện quảng cáo hữu hiệu lúc bấy giờ, có cây được treo khóm, xoài, khoai lang, dưa hấu… nhưng giờ cây bẹo cũng không còn được sử dụng nhiều.
Hình ảnh cây bẹo trên chợ nổi Ngã Năm trước đây. Ảnh: Quang Trần

Nhiều chiếc ghe xuồng từng là phương tiện mưu sinh của thương hồ, giờ được neo đậu trước nhà và trở thành những kỷ vật của nét văn hóa sông nước một thời vùng Tây Nam bộ. Ảnh: Ngọc Khuyến
Trên khúc sông này, khoảng 5 đến 7 năm trước, hàng trăm ghe xuồng từ thập phương tụ họp lại, khi ấy chợ nổi kéo dài khoảng vài km.
Năm ngả sông tại chợ nổi Ngã Năm vẫn là đoạn đường di chuyển quen thuộc của nhiều người dân từ các nơi.
Đa số những chiếc sà lan, ghe, xuồng ở vùng sông nước Tây Nam bộ đều có xuất hiện hình ảnh đôi mắt "thuồng luồng" trước mũi thuyền. Theo một vài quan niệm thời xưa, việc vẽ đôi mắt này sẽ giúp xua đuổi các loài thủy quái.
Hè đến, nhiều đứa trẻ được nghỉ học dài ngày sẽ được cha mẹ cho tham gia trong những chuyến đi buôn bán trên sông nước.
Ông Trương Hoàng Kiệt, ngụ tại phường 1, thị xã Ngã Năm làm nghề buôn bán trà đá trên chợ nổi Ngã Năm, cho biết "Sáng nào tôi cũng chạy xuồng ra đây bán trà đá, cà phê, các loại nước ngọt cho đến mặt trời lên cao thì về. Giờ bán buôn không còn đắt, hồi trước 4:00 - 5:00 giờ sáng ra giữa sông này nè (điểm giao của dòng sông năm ngả) vui dữ lắm, người đông như kiến".
Giữa con nước bồng bềnh, ghe bún nước lèo của bà Hồ Thị Thu vẫn đều đặn nhịp chèo mỗi ngày trong suốt hơn 20 năm qua để bán nhưng tô bún đặc sản Sóc Trăng cho người dân buôn bán trên sông và những du khách muốn hoài niệm về nét đẹp một thời của vùng sông nước.
Người dân làm nghề chèo đang tranh thủ lấp đầy bụng khi không có khách.
Dù cầu đường đã được thông đến từng nhà, nhưng nhiều người dân vẫn có thói quen đi đò, vỏ lãi... để qua sông.

Những chiếc đò này có chiếc tuổi đời lên đến vài chục năm, trước đây chúng là phương tiện trung chuyển nhỏ gọn và tiện lợi giữa khúc sông đông đúc. Hiện giờ cũng chỉ còn hơn chục chiếc đò còn hoạt động.
Vị trí chợ nổi Ngã Năm trên Google Maps.
Thông qua chuỗi bài viết “Dấu xưa – Hồn phố”, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ giới thiệu đến độc giả những điểm du lịch văn hoá, tâm linh trên khắp cả nước. Trong đó, bao gồm những công trình kiến trúc cổ, khu phố cổ, làng cổ, di tích lịch sử và những làng nghề truyền thống, làng nghề được công nhận là di sản văn hoá Việt Nam…
Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây