Nguyễn Thanh Vũ -
Khi con cái gặp khách đến nhà không thèm chào hỏi, chắc chắn rằng phụ huynh nào cũng cảm thấy bối rối và xấu hổ, nhưng chỉ có rất ít người sau đó, khi khách đã ra về, lo việc “chỉnh đốn” con mình về việc chào hỏi khách khứa. Có đôi khi câu chuyện thiếu lễ phép ấy bị rơi vào quên lãng vì cha mẹ cũng không nhớ.
Trẻ thiếu lễ phép cũng chưa hẳn là hư hỏng, khó trị mà đôi khi trẻ ngại ngùng, e thẹn khi lần đầu gặp khách đến nhà hoặc khi người khách tỏ ra quá vồn vã. Đồng ý rằng việc chào hỏi người lớn tuổi, trẻ đã được học ở trường, ở nhà hoặc qua sách báo. Nhưng cũng có thể trẻ có quá ít cơ hội để thể hiện nên dần dần cái sự lịch thiệp ấy bị mai một, thui chột. Có nhiều phụ huynh cho rằng, hãy để trẻ tự giác hơn là bắt buộc, nhưng trường hợp này thì khác. Chẳng ai mới sinh ra đều thuộc làu làu các nguyên tắc sống, giá trị văn hóa, phong tục tập quán mà đòi hỏi phải học tập dần dần, nghĩa là ở trong nhà phải được cha mẹ nhắc nhở theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, thấy sai thì nhắc ngay.
Khi khách tới nhà chơi thấy con cứ ngồi đó nhưng vẫn tỉnh bơ không thèm chào hỏi thì cha mẹ phải nhắc khéo, đại ý là: “Để ba giới thiệu với con, đây là bác A… Con mau đến chào bác đi nào”. Cần phải khéo léo, nhẹ nhàng và gương mặt tươi vui để con không bị quê và khách cũng không phải khó xử. Có thể xen vào đó những câu chuyện phiếm, pha trò để con khỏi ngại ngùng trước người lạ. Mặt khác tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp, hòa đồng với mọi người.
Một khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ tự giác trong sự ngoan ngoãn, lễ phép của mình. Chỉ cần thấy người lạ, trẻ sẽ xởi lởi chào hỏi, mời khách ngồi, đi pha trà đãi khách thay ba mẹ. Thói quen này khi tập cho trẻ từ nhỏ cũng giúp trẻ khi lớn luôn kính trên nhường dưới, cư xử phải phép trong các mối quan hệ xã hội.