(SGTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tình với kiến nghị của đại biểu Quốc hội về bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, để có cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề bên ngoài trường học.
- TPHCM: Hơn 1,7 triệu học sinh khai giảng năm học mới, nhiều trường học được khánh thành
- TPHCM: Học sinh tiểu học thay đổi giờ đến lớp, sớm nhất là 7 giờ 15
Theo TTXVN, tiếp tục kỳ họp 6 Quốc hội XV, liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu từ tỉnh Thái Bình phản ánh thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định đang tăng, tạo áp lực lớn cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học.
Theo đó, đại biểu kiến nghị cần quan tâm hơn đến việc sửa đổi các quy định liên quan để quản lý lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên; xem xét giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử sao cho bớt áp lực cho học sinh; đồng thời, cho rằng Chính phủ hướng dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thông tin tại kỳ họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, hoạt động dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học. Bộ bày tỏ đồng tình với đại biểu khi muốn bổ sung hoạt động này vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, từ đó, tạo cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học.
Trước đó, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, bộ đã gửi văn bản 1534 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi văn bản 2026 tới Thủ tướng Chính phủ năm 2020 về đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được chấp thuận.
Trúc Đào