Nguyễn Thanh Vũ -
Những đứa trẻ sẽ luôn có những chuyến du lịch dã ngoại cùng trường; hoặc theo gia đình khám phá những miền đất mới theo hình thức “phượt”. Chuyến đi là những trải nghiệm, bài học đầu đời quý báu đối với trẻ về thiên nhiên, môi trường, văn hóa, con người. Tuy nhiên, nếu không để tâm, giữa rừng núi bao la trẻ rất dễ bị lạc. Với rất nhiều nguy hiểm trong rừng như thú dữ, bóng đêm… nếu ở một mình trẻ sẽ khó sống sót nếu không biết kỹ năng sinh tồn.
Mới đây, tại huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) có một vụ đi lạc trong rừng. Anh Nguyễn Toàn Lộc (26 tuổi, ngụ thị trấn Di Linh) cùng bạn vào rừng lấy gỗ khô nhưng sau đó bị lạc bốn ngày. Chiều ngày 2-10-2016, công an huyện Di Linh cho biết đã tìm thấy anh Lộc ngay bờ suối thuộc tiểu khu 711 thuộc rừng phòng hộ Hòa Bắc trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Nạn nhân sau đó được đưa cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa II thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) và hiện sức khỏe đã được bình phục.
Hiện nay có rất nhiều sách hướng dẫn kỹ năng đi rừng và cách tránh bị lạc. Cha mẹ có thể cùng con dạo nhà sách, mua những quyển sách có nội dung như thế và đọc cùng con. Nếu sách có hình ảnh kém sinh động (mà trẻ con lại thích xem hình) thì cha mẹ tìm nội dung kỹ năng đi rừng trên mạng rồi cùng con đọc, xem ảnh, clip để trẻ dễ tiếp thu và nhớ lâu. Trước chuyến đi chơi xa của con mà không có cha mẹ kề cận, nên cho con lên mạng tìm hiểu địa danh nơi mình đến, cũng như học những kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sống sót... Cụ thể, cha mẹ nên chỉ trẻ cách khi lạc đường sẽ làm gì (đánh dấu đường), biết khi vực nào có thú dữ (nhìn lên mặt đất), lối nào có nhiều tiều phu qua lại (đường mòn), tìm hướng đông từ cây cỏ (cây nghiêng theo hướng mặt trời đón nắng)…
Cha mẹ, ông bà cũng nên chia sẻ kinh nghiệm đi rừng cho con trẻ để trẻ hiểu biết sâu và rộng về việc đi rừng, kỹ năng sống sót, tránh bị lạc, cần cho trẻ tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh, tích cực mang tính cộng đồng. Sự giao tiếp, làm việc nhóm sẽ mở ra nhiều cơ hội kỹ năng xã hội, giúp trẻ thích nghi trong mọi hoàn cảnh, mọi con người, mọi văn hóa...
Nếu được, phụ huynh có thể cho trẻ đăng ký một khóa hướng đạo để trẻ làm quen với nhiều bạn bè mới và học kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm, các mẹo vặt trong cuộc sống, trong đó có dạy cách thoát khỏi rừng sâu khi đi lạc.