(SGTT) - Đi lạc, người lạ cho bánh kẹo và rủ đi cùng, bị chọc ghẹo nơi đông người… là những điều trẻ em có thể gặp phải. Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cần thiết để ứng phó với những tình huống không mong muốn này.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, không chỉ dạy trẻ kỹ năng ứng phó, cha mẹ còn cần phải cư xử hợp lý để nêu gương cho trẻ.
Nếu đi lạc trẻ cần làm gì?
Khi trẻ từ 3 tuổi - độ tuổi bắt đầu có thể ghi nhớ, cha mẹ cần dạy trẻ nhớ số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà. Người lớn có thể biến các số điện thoại này thành trò chơi và đố vui với con trước giờ đi ngủ.
Dạy trẻ những kỹ năng cần thiết khi đi lạc là việc rất quan trọng. Dù là ở không gian yên bình như về quê ông bà, khu nghỉ dưỡng hay là chốn đông người như trung tâm thương mại, bến xe, sân bay, siêu thị, khu vui chơi, truớc đó cha mẹ cần chỉ dẫn cặn kẽ cho trẻ trong tình huống trẻ mải mê chơi đùa rồi ra khỏi tầm mắt người lớn.
Cha mẹ cần hướng dẫn con tìm đúng người để nhờ sự giúp đỡ. Đó là những người có thể tin cậy như người mặc đồng phục, có mang thẻ đeo, người đứng hoặc làm việc ở vị trí cố định.
Ví dụ, tới siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi, phụ huynh có thể chỉ cho trẻ rằng “cô hoặc chú đó là bảo vệ, là nhân viên ở đây”, chỉ quầy thu tiền để nếu có chuyện gì con có thể nhờ nhân viên quầy thông báo trên loa hoặc có biện pháp giúp đỡ.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên dạy con cách diễn đạt, nói lời giúp đỡ như thế nào nếu bị lạc.
Khi dẫn con tới siêu thị hoặc nơi đông người, cha mẹ có thể hỏi trẻ “nếu bây giờ con bị lạc ngay ở đây con sẽ làm gì”?
Tuy nhiên, vì trẻ con hiếu động, hay quên, cha mẹ nên dán hoặc để vào ba lô, túi áo của con mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, số điện thoại của cha mẹ.
Dặn trẻ giữ mảnh giấy này cẩn thận và đưa cho người lớn để liên lạc gọi cha mẹ đến đón trong trường hợp bị lạc. Cẩn thận hơn, có thể khâu tên của trẻ, tên cha mẹ cùng với số điện thoại liên lạc của cha mẹ vào trong quần áo hoặc giày của trẻ. Một chiếc vòng tay ghi số điện thoại cũng có thể là phụ kiện hữu ích.
Nếu trẻ có thể sử dụng điện thoại, cha mẹ nên để một chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi, pin bền trong túi, ba lô cho trẻ.
Cha mẹ cũng cần dạy trẻ “giữ bình tĩnh, đứng yên tại chỗ nếu bị lạc. Nếu con hoảng sợ, chạy khắp nơi thì việc tìm kiếm càng khó khăn hơn”.
Cha mẹ cũng có thể dạy con gọi hay hét thật to tên cha mẹ hoặc chỉ đơn giản là “ba ơi!”, “mẹ ơi!”, vì khi con gọi sẽ gây sự chú ý và cha mẹ mới có thể nghe thấy.
Cũng có thể trang bị cho trẻ những vật dụng có thể hỗ trợ cho trẻ khi bị lạc như còi chẳng hạn.
Đồng thời, cha mẹ cũng cần giải thích cho trẻ hiểu rằng, lúc bị lạc, trẻ cần phải bình tĩnh, không khóc thét lên, vì đó có thể là cơ hội để kẻ xấu biết, dụ dỗ, dẫn trẻ đi mất.
Cần tạo thói quen và nhắc trẻ nguyên tắc luôn nắm tay cha mẹ khi đi ra ngoài, nhất là những nơi đông người và có thể thỏa thuận trước địa điểm đứng đợi nhau nếu bị lạc.
Nếu trẻ lớn hơn, có trí nhớ tốt có thể dạy trẻ phát triển kỹ năng định hướng, bằng cách cho trẻ tập dẫn đường cho cha mẹ từ công viên, khu vui chơi, trung tâm mua sắm ra bãi đậu xe ban đầu.
Những khả năng ghi nhớ và định hướng cơ bản có thể giúp ích rất nhiều trong các trường hợp trẻ đi lạc.
Cha mẹ không nên cho trẻ đi thang máy một mình. Nếu muốn, trẻ hãy chờ đông người đi cùng, tuyệt đối không bước vào thang máy với một người lớn khác giới.
Cách đối phó với người lạ, có ý xấu
Không hiếm trường hợp kẻ xấu giả làm người quen của cha mẹ, hay tới lân la bắt chuyện, cho kẹo bánh, đồ chơi để bắt cóc hoặc có những hành vi xấu với trẻ.
Vì vậy, để tránh trường hợp bị dụ dỗ, cha mẹ cần dạy con không được tiếp xúc và không tin lời người lạ.
Cha mẹ có thể đóng vai giả định một số tình huống khác nhau hoặc lồng ghép vào những câu chuyện để bé dễ nhận diện người xấu.
Người đó có thể lừa gạt, trói, hay đe dọa, đụng chạm các bộ phận nhạy cảm của trẻ hoặc yêu cầu trẻ đụng chạm vào họ hoặc muốn chụp hình, quay phim trẻ.
Khi trẻ nhận diện đúng người xấu, cha mẹ sẽ giúp trẻ biết cách phản ứng và hành động thích hợp.
Ngay từ trong gia đình, cha mẹ phải luôn xây dựng quy tắc tôn trọng vùng riêng tư của người khác. Cha mẹ không thay đồ trước mặt con, cha mẹ và con cái không được chạm vào vùng riêng tư của nhau nếu chưa được phép.
Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng những vùng riêng tư của mình thì chỉ mình được chăm sóc, trừ trường hợp bác sĩ khám bệnh hoặc cha mẹ chăm sóc và có giải thích.
Cha mẹ cần nói cho trẻ biết rằng, khi gặp những người không tin cậy, rủ đi đâu đó hoặc cố tình kéo con đi, tấn công con thì con phải hét thật to (ví dụ nói rằng “cô hoặc chú là ai, cháu không quen cô chú”), giãy giụa để gây sự chú ý và tìm sự giúp đỡ của người xung quanh.
Cha mẹ nên dặn trẻ không ở trong phòng với người khác giới nếu chỉ có trẻ và người đó; không tự ý đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ; đi qua nhà người khác mà không có người lớn đi cùng.
Cha mẹ luôn nói với trẻ “cơ thể con là duy nhất, tính mạng con là quan trọng nhất, trong bất kì trường hợp nào con phải bảo vệ tính mạng con đầu tiên”.
Cha mẹ luôn nói với con rằng con không bao giờ là người có lỗi. Kẻ xấu sẽ phải bị trừng trị và cha mẹ luôn bên con, bảo vệ con. Hướng dẫn con gọi ngay 111 dù con ở bất kì đâu.
Nếu gặp nguy hiểm
Với những trẻ quá nhỏ, cha mẹ không nên rời mắt khỏi chúng dù chỉ một giây. Nhưng với trẻ lớn hơn, cha mẹ không thể chăm nom cả ngày, mà cần dạy cho trẻ một số kỹ năng ứng phó.
Tình huống nguy hiểm có thể là bị kẹt trong thang máy hay có thể nguy hiểm khi băng qua đường, lạc giữa sân bay, đường phố đông đúc.
Đối với tình huống bị kẹt trong thang máy, cha mẹ dạy trẻ hãy bình tĩnh và ấn nút báo động có trên bảng điều khiển. Trẻ cũng có thể mang theo túi nhỏ, có chứa điện thoại để có thể gọi cho cha mẹ bất cứ khi nào cần.
Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường giao thông cơ bản, một số người có vai trò trong việc điều khiển giao thông, cách băng qua đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư sao cho an toàn.
Nhật Linh