Tường Lan (Hà Nội)-
Con gái của chị bạn đang học lớp 8. Một bữa cháu về nhà nói với mẹ rằng vào tuần sau nhóm của cháu gồm năm người sẽ có một buổi thuyết trình bằng tiếng Anh về cách nấu xôi ngũ sắc. Cô giáo dạy tiếng Anh yêu cầu các bạn phải tự nấu một phần xôi (khác màu), chụp hình để làm tài liệu cho buổi thuyết trình đó. Cháu chọn làm phần xôi màu tím, nhưng theo yêu cầu phải là màu tím từ lá cây theo kiểu của người dân tộc, nghĩa là phải giã lá cây vắt lấy màu.
Chị bạn tôi cho rằng học nấu xôi là một kỹ năng không cần thiết trong thời buổi mà người ta mua xôi để ăn dễ dàng, rẻ hơn và đỡ mất thời gian hơn là tự làm ở nhà, trong khi cô giáo thì khẳng định đây một kỹ năng sống mà các con nên biết. Sau một hồi tranh luận với cô giáo dạy tiếng Anh xong thì chị bạn cũng phải chấp nhận việc phụ giúp con gái làm món xôi tím. Nhưng thay vì phải mất công tìm loại màu tự nhiên từ lá cây, cháu được phép nấu xôi tím bằng loại nếp cẩm theo sự gợi ý của cô giáo.
Ở đây, tôi thấy cô giáo và vị phụ huynh nói về một chuyện nhưng với hai góc nhìn khác nhau. Chuyện chung là rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh. Cô giáo muốn rèn luyện cho các học trò kỹ năng nói tiếng Anh bằng cách cho làm thuyết trình và muốn lồng những việc thường làm ở nhà, như chuyện vào bếp nấu thứ gì đó ăn cho sinh động và dễ dàng cho học sinh. Việc cô giáo ra đề tài nấu xôi ngũ sắc cho nhóm năm em chắc cũng vì cô muốn mỗi em sẽ chủ động hơn với phần nội dung thuyết trình của mình. Đề tài hoàn mỹ trừ một việc cô chưa lường được: các học trò của mình đa phần chỉ biết đến việc học vì phụ huynh của các em muốn thế. Thế nên, đề tài dễ hóa ra khó vì các em đều về nhà nhờ cha mẹ làm giúp. Và vì sự bận rộn, vì yêu cầu lấy màu từ lá cây đã “vượt xa tầm tay” nên đến lượt mình, phụ huynh đã phản ứng mạnh như cách chị bạn tôi gọi điện thoại “tranh luận” với cô giáo nói trên.
Trước đây, lứa tuổi chúng tôi khi học lớp 8 đã biết làm khá nhiều công việc nhà để giúp bố mẹ, từ đi chợ, nấu cơm đến giặt giũ… Và mọi việc đều tự làm chứ không có sự trợ giúp của máy móc như hiện nay. Việc đi học của chúng tôi cũng rất đơn giản, tự lo đi học, thường là đi bộ và tự lo bài vở của mình. Bố mẹ chúng tôi gần như không phải tốn thời gian cho chúng tôi. Và lứa chúng tôi vẫn trưởng thành và sống có ích.
Ngày nay cùng với sự phát triển, cuộc sống cũng phức tạp hơn rất nhiều. Trẻ con được hưởng nhiều tiện nghi hơn chúng tôi ngày xưa nhưng chúng cũng chịu nhiều sự thiệt thòi hơn. Có một điều nghịch lý là khi bố mẹ bận rộn lo kiếm tiền để mong con cái được sống trong điều kiện tốt nhất có thể, họ đồng thời lại chấp nhận bỏ tiền học phí và mất thời gian đưa đón để con tham gia những lớp kỹ năng sống. Đa phần nội dung được dạy ở các lớp này là những kỹ năng mà bố mẹ và con cái có thể rèn luyện được thông qua những trò chơi và việc làm ngay tại nhà của mình. Nói một cách khác là vẫn có cách học kỹ năng mà không tốn học phí, cha mẹ và con cái còn được vui vẻ bên nhau.
Tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của chị bạn đang hồi giận dữ: “giờ cứ ra chợ mua gạo nếp cẩm về thổi bằng nồi cơm điện, muốn khô muốn nát gì cũng được, miễn là có món xôi tím cho con mang đến lớp” và băn khoăn về cháu gái và kết quả của bài thuyết trình bằng tiếng Anh.