Bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong đó có TPHCM. Nhiều phụ huynh lo lắng và tìm cách bảo vệ con mình không bị lây nhiễm bệnh này.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đường ruột gây ra, trong đó 50% trường hợp được xác định mắc vi rút chủng Enterovirus 71 (EV71) – một chủng virus có độc tính mạnh, lây lan nhanh. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Cũng theo BS. Khanh, hiện mỗi ngày Khoa Nhiễm - Thần kinh điều trị hơn 200 bệnh nhân mắc tay chân miệng. Tâm lý lo lắng của các gia đình làm cho các loại hóa chất tẩy rửa tại các nhà thuốc, các cơ sở kinh doanh ngành thiết bị y tế, các siêu thị bán rất chạy. Trong đó, CloraminB, Javen để lau sàn, tẩy rửa đồ chơi, vật dụng là phổ biến nhất. Ngoài ra cồn, dung dịch sát khuẩn, các loại xà bông diệt khuẩn cũng được mua nhiều.
Phòng bệnh tại nhà
BS. Nguyễn Trung Hoà, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận Gò Vấp, TPHCM cho hay, thực hành vệ sinh tốt là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh tay chân miệng. Các biện pháp phòng bệnh lúc này là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan. Trước tiên, người lớn phải chủ động bảo vệ con mình bằng cách rửa tay bằng xà phòng khi đi làm về.
Cha mẹ nên dạy trẻ cách rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và xà phòng sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi ăn, và sau khi ra nơi công cộng. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ không cho tay hoặc các đồ vật khác vào miệng hoặc gần miệng.
Ở những khu vực chung trong nhà, cần vệ sinh các bề mặt chung trước tiên bằng xà phòng và nước, sau đó dùng dung dịch thuốc tẩy pha loãng với nước. Cũng nên khử trùng đồ chơi, núm vú giả và các đồ vật khác có thể bị nhiễm vi rút.
Các dung dịch khử trùng có Clo sẽ giảm tác dụng nhanh theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha. Tốt nhất chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ. Dung dịch khử trùng chứa Clo đã pha cần bảo quản ở nơi khô, mát, đậy kín, tránh ánh sáng.
Khi gia đình sử dụng hoá chất phải chú ý hoá chất phải được bảo quản cẩn thận, xem kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, tránh xa tầm tay trẻ em.
Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt hoặc đau họng, hãy để các em nghỉ ở nhà không đi học. Nên tránh tiếp xúc với người khác khi các nốt mụn và nốt ban điển hình nổi lên để tránh lây bệnh cho người khác.
Ngăn lây nhiễm ở trường học
Do bệnh tay chân miệng đang lây lan nhanh như hiện nay, nhà trường cần tăng cường vệ sinh trường lớp từ hai đến ba lần trong tuần, tẩy rửa vệ sinh đồ dùng đồ chơi cho trẻ bằng nước khử trùng. Vệ sinh lau rửa sàn nhà, đồ chơi các vật dụng sinh hoạt khác của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn chloraminB (2%) hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cần phun thuốc diệt muỗi và bọ gậy. Trẻ em trước khi vào lớp học và sau khi tan trường nên rửa tay.
Tại các trường tiểu học có học sinh bán trú, cần tăng cường công tác an toàn thực phẩm; đảm bảo vệ sinh khu vực chế biến, bếp ăn; khử khuẩn sàn nhà, khu vệ sinh… Cán bộ, giáo viên, nhân viên yêu cầu trẻ hoặc giúp trẻ rửa tay thường xuyên dưới vòi nước bằng xà phòng sau các giờ ra chơi và sau khi đi vệ sinh. Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc, phục vụ ăn uống cho trẻ, không dùng chung cho trẻ các vât dụng phục vụ ăn uống như muỗng, cốc, chén.
Tại các trường mầm non, đồ chơi, bàn, ghế phải thường xuyên được lau sạch sẽ. Hàng ngày, sau khi trả hết trẻ vào cuối buổi, các cô giặt khăn mặt bằng xà phòng, hấp sấy theo đúng quy định, nhằm hạn chế không để trẻ bị lây chéo.
Đảm bảo các nhà vệ sinh, đủ nước xả và luôn dọn dẹp sạch sẽ. Xử lý phân, chất thải của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn ChloraminB (2%).
Hai loại hoá chất được sử dụng thông dụng trên thị trường hiện nay để diệt vi khuẩn gây bệnh tay chân miệng được ngành y tế khuyên dùng là: Natri hypoclorit (nước javel) và CloraminB. Khi hòa tan với nước, các hóa chất này sẽ giải phóng một lượng Clo hoạt tính có tác dụng khử trùng. Tùy theo nhà sản xuất mà hóa chất khử trùng có hàm lượng Clo hoạt tính khác nhau (nồng độ gốc), ví dụ: Cloramin B (dạng bột): nồng độ 25%; Nước javel (dạng dung dịch): 5% hoặc 3%…Với các loại đồ dùng trong nhà, hiệu quả khử trùng sẽ bị ảnh hưởng nếu các bề mặt không được làm sạch trước khi khử trùng. Đầu tiên phải làm sạch đồ đạc, vật dụng để loại bỏ đất bụi, chất hữu cơ, mầm bệnh. Sau đó, lau chùi, cọ rửa với nước và/hoặc các chất tẩy rửa khác (xà phòng, nước lau nhà). Cuối cùng mới là bước khử trùng.Công tác khử trùng gồm hai bước: Lau ướt hoặc phun ướt các bề mặt hoặc nhúng ướt khăn vào dung dịch khử trùng có nồng độ Clo phù hợp. 30 phút sau lau lại bằng nước sạch, sau đó lau khô.
Bình An