T.THU -
Nhiều bậc phụ huynh mong muốn con cái được đi du học với nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất, do đó lập kế hoạch tài chính cho việc học tập của con cái nhằm giúp các bậc cha mẹ có thể có được một kế hoạch khả thi.
Báo cáo thuộc nghiên cứu “Giá trị của giáo dục” với tên gọi “Những nền tảng cho tương lai” được Ngân hàng HSBC công bố trong tháng rồi cho thấy, đa số các bậc cha mẹ (60%) trong số 6.200 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng vay nợ để con cái của họ được học đại học.
Trong số những bậc cha mẹ cho biết họ sẽ cân nhắc cho con đi du học, vấn đề chi phí cho việc theo học đại học ở nước ngoài chính là rào cản lớn nhất. Do đó, theo ông Kris Werner, Giám đốc khối Tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của HSBC Việt Nam, các bậc cha mẹ nên có một kế hoạch thiết thực nếu muốn con cái họ có được những trải nghiệm học tập chất lượng cao bằng việc lên kế hoạch tiết kiệm cho mục tiêu này càng sớm càng tốt, cũng như tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tài chính để giúp hiện thực hóa những kỳ vọng.
Theo chuyên gia này, trước hết các bậc phụ huynh nên tính đến việc cho con em học gì và ở đâu. Họ nên ước tính tổng số tiền cần chu cấp cho toàn bộ hoặc một phần chương trình học của con. Con số này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại hình giáo dục (ví dụ như chứng chỉ, bằng cấp đại học hay sau đại học) và vị trí của trường – trong nước hay ở nước ngoài.
Chẳng hạn như với với bậc đại học, việc du học nhìn chung đắt đỏ hơn nhiều so với học tại Việt Nam. Chi phí học tập không chỉ khác biệt giữa các quốc gia mà còn giữa các trường với nhau. Ví dụ, sinh viên quốc tế theo học tại Malaysia cần chi gần 13.000 đô la Mỹ cho cả học phí lẫn sinh hoạt phí mỗi năm, tại Canada là hơn 29.000 đô la Mỹ mỗi năm và thậm chí con số này còn lên đến 36.000 đô la Mỹ khi chọn học đại học tại Mỹ. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý đến lạm phát và khả năng học phí gia tăng theo thời gian.
Để thực hiện việc này, vị chuyên gia cho rằng các bậc cha mẹ nên lên kế hoạch tài chính càng sớm càng tốt, trong đó cân nhắc thời điểm bắt đầu chi trả tiền học của con. “Tiết kiệm và đầu tư cho mục tiêu giáo dục càng sớm, bạn sẽ có thể tích lũy càng nhiều cho con mình. Ngược lại, bắt đầu kế hoạch đầu tư muộn sẽ làm giảm lượng tích lũy và có thể các bậc cha mẹ phải chuyển nguồn tiết kiệm và tài sản khác sang hỗ trợ cho chi phí giáo dục”, ông Kris Werner cho biết.
Ngoài ra, họ nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, vì việc tập trung đầu tư vào một hạng mục duy nhất tuy có thể gia tăng lợi nhuận tiềm năng nhưng cũng khiến gia tăng nguy cơ không đạt lợi nhuận như kỳ vọng. Các bậc cha mẹ nên cân nhắc phân chia tiền tiết kiệm và đầu tư thành nhiều khoản nhằm kiểm soát rủi ro và nhờ đó cũng có thể quản lý lợi nhuận đầu tư.
Và, họ cần sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất vì ngay cả khi sở hữu những kế hoạch tài chính được xây dựng chi tiết nhất, họ vẫn có thể phải đối mặt với những tình huống bất ngờ như mất việc làm, tai nạn, bệnh nặng... Là người chi trả chính cho quá trình học tập của con, cha mẹ nên tham gia bảo hiểm cho bản thân và những người phụ thuộc đề phòng trường hợp bất trắc.