Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Dè dặt mục tiêu xuất khẩu gỗ

Trung Chánh-Phú Li

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng trưởng mạnh thời gian gần đây đã kích thích giá gỗ cao su nguyên liệu thị trường nội địa tăng mạnh. Tuy vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vẫn thận trọng khi đề ra mục tiêu xuất khẩu ngành hàng này cho ba năm tới.

Gỗ cao su sốt giá

Khoảng một tháng trở lại đây, gỗ cao su thanh lý được đẩy lên mức giá cao chưa từng thấy và trở thành đề tài được nông dân ở tỉnh Bình Phước bàn luận khá sôi nổi.

Cụ thể, trong những năm trước, khi vườn cao su hết khả năng cho mủ (thường sau khoảng 26-30 năm), việc thanh lý cây được xem như có thêm chút tiền để làm đất và mua cây giống về trồng lại. Thế nhưng hiện nay, số tiền thanh lý một héc ta cao su (khoảng 500 cây) đã lên đến hàng trăm triệu đồng, có thể đủ để nông dân mua thêm một héc ta đất.

Ông Huỳnh Văn Liêm, ngụ xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, người vừa thanh lý vườn cao su với giá 800 triệu đồng (bình quân 1-1,2 triệu đồng/cây), cho biết vườn cây nhà ông vẫn có thể khai thác mủ thêm 1-2 năm, nhưng do giá gỗ cao su hiện nay quá hấp dẫn nên ông quyết định thanh lý sớm. “Chứ hai năm sau biết giá có còn tốt như hiện nay không?”, ông nói.

Cách đó khoảng 5 km, ông Nguyễn Văn Mến cũng vừa quyết định nhận tiền cọc thanh lý 700 cây cao su với giá 600 triệu đồng. Với giá này, ông Long cho rằng gia đình ông đã bị “hớ”, nhưng nếu so với năm ngoái, mức giá hiện nay cao hơn 250 triệu đồng.

Nếu ông Mến tiếc một, thì ông Nguyễn Tiến Hạnh ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước phải tiếc đến mười. Bởi cách nay ba tháng, ông đã thanh lý 800 cây cao su của mình với giá 560 triệu đồng, một mức giá được xem là khá cao vào thời điểm đó. Thế nhưng, nếu so với mức bình quân khoảng 1 triệu đồng/cây hiện nay, thì chỉ trong ba tháng ngắn ngủi, số tiền chênh lệch từ việc thanh lý vườn cây đã là 240 triệu đồng.

Một đầu mối chuyên thu mua gỗ cao su ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết, việc khan hiếm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu thời gian qua, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định đóng cửa rừng đã khiến gỗ cao su ngày càng được ưa chuộng. Ngoài ra, với việc “đói” nguyên liệu gỗ của Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp của nước này tìm sang Việt Nam, tranh mua khiến giá cao su thanh lý được đẩy lên rất cao.

 caosuNông dân tỉnh Bình Phước đang đốn hạ, thanh lý cao su:   Ảnh: Phú Li

Mục tiêu nhẹ nhàng

Các số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 6,2 tỉ đô la Mỹ, thì sang năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã tăng lên 6,9 tỉ đô la.

Năm ngoái, tại hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới”, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 7,3 tỉ đô la, tăng 400 triệu đô la so với năm 2015.

Như vậy, nếu tính trung bình cho giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 566 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Còn tính trong giai đoạn 2006-2010 với 2012-2015, theo ông Cường, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã tăng hơn hai lần, từ mức 2,8 tỉ đô la lên mức 6,52 tỉ đô la.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này có khả năng đạt 7,6-7,8 tỉ đô la, tức tăng 300-500 triệu đô la so với năm 2016.

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam thời gian vừa qua rất tốt. Thế nhưng, Bộ NN&PTNT lại tỏ ra thận trọng khi đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cho ba năm tới (từ năm 2018 đến 2020), chỉ yêu cầu đạt từ 8-8,5 tỉ đô la Mỹ.

Những người trong ngành cho rằng sẽ không quá khó để đạt mục tiêu này, bởi nếu theo dự báo của năm 2017 là 7,6-7,8 tỉ đô la thì chỉ cần tăng khoảng 200-400 triệu đô la là đã hoàn thành chỉ tiêu.

Ngoài mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cũng đặt ra một số mục tiêu khác khá nhẹ nhàng cho ngành gỗ Việt Nam, trong đó có diện tích trồng rừng. Ông Cường cho biết, tổng diện tích rừng năm 2016 (theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng) của cả nước là trên 14,37 triệu ha. Với mục tiêu đến năm 2020 đạt 14,4 triệu ha, ngành này chỉ cần tăng khoảng 30.000 ha là hoàn thành mục tiêu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối