Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024

Để đưa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ra thị trường

Đưa sản phẩm ra thị trường là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Đây là chủ đề được quan tâm tại buổi tọa đàm “Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao: Để không bị bỏ lại phía sau”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Hỗ trợ Khởi nghiệp Saigon Times tổ chức nhân dịp ra mắt Ban chủ nhiệm của câu lạc bộ này vào ngày 7/9.

Diễn giả chia sẻ cách để các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đưa sản phẩm ra thị trường tại buổi tọa đàm hôm 7/9. Ảnh: Thành Hoa

Doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp có những khó khăn đặc thù: sản phẩm nông nghiệp quá quen thuộc nên khó có thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng, khó hấp dẫn được họ chọn dùng sản phẩm mới.

Giảm chi phí để giảm giá thành

Không chỉ về giống mới, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp phải vượt lên đòi hỏi bình thường là có ngon và hợp khẩu vị không. Ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Value Commerce Hub, cho ví dụ một giống cà chua mới nhưng chưa nổi bật sẽ khó thuyết phục khách hàng thay đổi loại cà chua đã dùng, thay đổi nơi mua hàng quen thuộc như chợ, siêu thị.

Mặt khác, sản phẩm cho khách hàng thấy được sự quan tâm về sức khỏe, tiện dụng và nguồn gốc đáng tin cậy hơn sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng. Khi giá cả là lợi thế cạnh tranh của đối thủ như gà nhập từ Mỹ bán rất rẻ, thì doanh nghiệp phải đưa yếu tố khác biệt vào sản phẩm của mình để nâng giá trị gia tăng vào sản phẩm.

Nhưng khi thị trường có quá nhiều nguồn cung thì giá của sản phẩm cũng chính là giá trị gia tăng. Ông Huỳnh Kim Tước, Tổng giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Saigon Innovation Hub), cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp nên quan tâm đến yếu tố giá cả. Nếu đưa hàng đến thẳng tay khách hàng thì giá sẽ giảm đi rất nhiều chi phí cho các khâu trung gian. Ví dụ, tôm có giá thu tại nguồn là 80.000 đồng/kg nhưng khi tới tay người tiêu dùng đã lên 400.000 đồng/kg, qua 8 bước thương lái. Từ đó, một số nông dân ở Sóc Trăng đã kết hợp tự định giá tôm rồi cùng bán hàng thẳng vào siêu thị, người tiêu dùng chỉ còn mua 200.000 đồng/kg.

Điều tiết chi phí, đặc biệt là chi phí tiếp cận thị trường là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp phải cân bằng để giữ giá của sản phẩm. Hàng nông sản có đặc điểm riêng là phải trồng trọt thu hoạch, sản phẩm không giữ lâu được. Chi phí trồng trọt, trữ hàng để tìm hiểu thị trường của mặt hàng này rất cao. Ông Hải nói các doanh nghiệp phải cùng sát cánh với thị trường thị mới tiết kiệm được chi phí khảo sát, tìm hiểu thị trường. Doanh nghiệp cần đến tận nơi bán hàng, ăn ngủ cùng thị trường, quan sát thói quen của người mua hàng từng khu vực, đặt câu hỏi để hiểu họ cần gì.

Một hạn chế thường thấy ở các doanh nghiệp khởi nghiệp là chưa bỏ thời gian tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, họ có thể tận dụng các số liệu của các sở ban ngành hay các tổ chức nghiên cứu có sẵn.

Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng bằng nhiều cách khác. Bên cạnh các sản phẩm chủ lực, có thể đưa thêm các sản phẩm mới liên tục. Tùy theo lượng khách hàng hay tiêu chí của nhà phân phối mà có thể cân nhắc đưa 20% hoặc hơn các sản phẩm mới, qua đó biết được thêm khẩu vị của họ để điều chỉnh sản phẩm của mình. Đây mới chính là lúc mà doanh nghiệp cần nhiều nguồn tài chính.

Chọn người đồng hành

Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể chọn cách san sẻ khó khăn, hợp tác cùng nhà phân phối. Nhà phân phối có chiến lược bán hàng riêng nên có thể xem họ là người đồng hành trong việc tiếp cận thị trường. Cụ thể, nếu nhà phân phối là siêu thị mạnh về hàng nông sản hữu cơ thì đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp hàng nông sản hữu cơ bán hàng. Việc chọn đúng nhà phân phối sẽ giúp doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm tốt hơn, vì mỗi nhà phân phối sẽ có lượng khách hàng riêng, theo từng khu vực.

Tiếp xúc với các doanh nghiệp khởi nghiệp nông sản công nghệ cao, ông Hải thấy họ đã nhận ra điều cần phải tìm được nhà phân phối thích hợp, tuy nhiên họ vẫn lúng túng khi chọn nhà phân phối có thể cùng cân bằng lời lỗ theo mùa vụ của hàng nông sản.

Ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Dong A Solution, cho rằng khi người sản xuất không bán trực tiếp được người tiêu dùng, phải qua các trung gian thì phải chịu mất chi phí cho họ, giá tới tay người tiêu dùng cũng cao hơn. Nhưng khởi nghiệp nông nghiệp có thể chọn người đồng hành chung tay cùng, đó là truyền thông, báo chí sẽ là bệ đỡ cho khởi nghiệp công nghệ cao, kết nối nguồn cung cầu. Những doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất cần được tiếp thêm động lực từ truyền thông để có thể tiếp tục đi tiếp con đường khởi nghiệp của mình. Truyền thông sẽ lan tỏa thông tin, rút ngắn lại khoảng cách giữa người tiêu dùng và người khởi nghiệp giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí đưa hàng đến tay người tiêu dùng.

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối