Khi Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển, những quy định về bản quyền càng trở nên nghiêm khắc hơn để đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo. Ngày trước, đăng một đoạn video lên Facebook bạn có thể kéo về hàng trăm lượt xem, nhưng bây giờ, bạn có thể bị report (báo cáo vi phạm) và khóa tài khoản, thậm chí bị đánh sập kênh.
Chế tài nghiêm khắc
Từng có nhiều kênh (channel) trên YouTube bị mất hết video lẫn tài khoản đăng ký chỉ vì sử dụng nhiều đoạn âm thanh, hình ảnh không có bản quyền. Dù bạn làm video đó với mục đích vui là chính, không thương mại, nhưng khi video được phổ biến, không ai chắc liệu nó có trở thành một hiện tượng mạng, hoặc bị bên thứ ba nào đó âm thầm mang về sử dụng kiếm lời hay không. Những điều này sẽ đem lại thất thoát lớn cho nghệ sĩ, người hao tổn nhiều công sức, tiền của để sáng tạo một sản phẩm giải trí.
Thông thường, nếu bạn sử dụng một đoạn âm thanh hoặc hình ảnh đã được đăng ký bản quyền trong sản phẩm của mình, dù đăng trên trang cá nhân, để chế độ chỉ bạn bè xem được, các trang mạng chủ quản sẽ gửi một lời cảnh báo tới bạn. Họ có bộ quét đủ thông minh để xác định rất nhanh đoạn âm thanh nền bạn sử dụng có “trùng” với dữ liệu đăng ký bản quyền hay không. Biện pháp thông thường là video đó sẽ bị vô hiệu hóa phần âm thanh. Nếu bạn tiếp tục “ngoan cố”, biện pháp mạnh có thể là đánh sập kênh, xóa hết video mà không hẹn ngày khôi phục.
Tương tự video và nhạc, ảnh bản quyền cũng là một vấn đề làm đau đầu nhiều nghệ sĩ. Cần một tấm ảnh phục vụ cho bài thuyết trình trên lớp, bạn có thể lấy bất kỳ tấm nào trên kho ảnh rộng lớn của Google. Nhưng nếu bài thuyết trình đó được đem đi dự thi, rất có khả năng nó sẽ bị đánh giá thấp bởi sử dụng ảnh không có bản quyền.
Có nhiều cách để sử dụng sản phẩm có bản quyền. Cách dễ dàng nhất là... bỏ tiền mua. Những trang như Shutterstock, Flickr... luôn sẵn sàng để bạn mua ảnh theo sản phẩm hay theo gói lớn, giá cũng không hề đắt đối với những ai thường xuyên phải dùng ảnh minh họa tử tế. Ví dụ, Shutterstock bán gói 169 đô la/tháng, được tải 350 hình bất kỳ, tính ra chỉ có vài ngàn một tấm ảnh. Trang web này cũng cho phép bạn dùng theo chế độ cá nhân hoặc nhóm.
Có nhiều người tìm cách lách luật bằng cách chế lại âm thanh nền, cắt cúp hình... nhằm làm cho công cụ lọc của YouTube, Facebook... không thể nhận ra. Cách này tuy đánh lừa máy móc khá hiệu quả, nhưng về lâu dài, nó cũng không phải phương án tối ưu. Trong bối cảnh luật sở hữu trí tuệ chưa được thực thi một cách hiệu quả như mong đợi thì bạn cần biết một số điều để bảo vệ chính mình khỏi việc kiện cáo vô tình.
Miễn phí mà vẫn được việc
Có nhiều cách để những người không có nhiều tiền nhưng vẫn có ảnh đẹp, nhạc hay để dùng trong sản phẩm thương mại. Bạn sẽ hỏi, tại sao có đồ miễn phí, chất lượng tốt mà những ông lớn lại phải bỏ rất nhiều tiền ra thuê người sản xuất riêng? Câu trả lời nằm ở chỗ, những sản phẩm này đủ tốt để đối tượng tầm trung sử dụng, nhưng còn xa để với tới sự độc đáo và thương hiệu cá nhân - điều mà các ông lớn cần khi thuê một đơn vị chuyên biệt thiết kế cho họ. Còn nếu bạn chỉ cần ở một mức độ vừa đủ, thì chẳng dại gì không tận dụng phần miễn phí đầy hấp dẫn đó.
Trước tiên, bạn cần biết những sản phẩm nào phổ biến, nổi tiếng được phép sử dụng mà không cần trả tiền bản quyền. Đó là những bản nhạc nằm trong phần công cộng, thường là những bản nhạc xuất bản từ năm 1922 trở về trước, ví dụ như một số bản nhạc của Mozart, Beethoven... Hoặc tác giả của nó cho phép bạn sử dụng thoải mái kể cả với mục đích thương mại.
Có khá nhiều trang web chia sẻ kho ảnh, video, âm thanh... miễn phí và đầy đủ bản quyền, hầu như không kèm theo điều khoản nào. Phần âm thanh, bạn có thể ghé vào kho nhạc miễn phí của YouTube - rất đa dạng và dễ tìm kiếm. Firstcom.com, trang web của nhạc sĩ Kevin MacLeond (Incompetech.com), FreePD, Audio Micro... cũng là những kho nhạc miễn phí lớn, mà nếu muốn tìm một đoạn âm thanh ưng ý, bạn cũng mất khá nhiều thời gian.
Về ảnh, bạn có rất nhiều kho ảnh khổng lồ cho sử dụng miễn phí. Một số trang miễn phí hoàn toàn. Một số lại dùng ảnh miễn phí để lôi kéo người dùng mua ảnh. Một số trang cho bạn sử dụng ảnh miễn phí kể cả mục đích thương mại như Pixabay.com, Pexels, Picjumbo, Life of Pix, Gratisography... Nếu bạn cần ảnh cổ điển (vintage), hãy ghé New Old Stock; cần hình ảnh ẩm thực có độ phân giải cao, Foodie’s Feed là một sự lựa chọn tốt; hay Mazwai là một trang web sáng tạo video clip và nhiều thước phim HD miễn phí... Bạn nên đọc kỹ điều khoản trước khi tải ảnh về. Điều này đòi hỏi bạn cần có một vốn liếng tiếng Anh vừa đủ để không bị nhầm lẫn giữa các “thẻ” ghi nhận quyền tác giả, phi thương mại hay thương mại.
Còn nếu bạn thường xuyên tìm ảnh trên Google, công cụ mạnh mẽ này cũng có bộ lọc giúp bạn loại bỏ nguồn ảnh không đáng tin cậy. Tại trang tìm kiếm Google ảnh, bạn nhấp vào tools (công cụ). Ở mục Usage rights (quyền sử dụng), bạn chọn labeled for reuse with modification (được phép dùng lại, có chỉnh sửa), labeled for reuse (được phép dùng lại, không chỉnh sửa), labeled for noncommercial reuse with modification (được phép dùng lại, có sửa đổi, phi thương mại) hoặc labeled for noncommercial reuse (được sử dụng, phi thương mại). Những ai làm thiết kế thường sử dụng bộ lọc với nhãn labeled for reuse hoặc labeled for reuse with modification để có những bức ảnh đủ tốt, đủ “an toàn” cho dự án của mình. Chắc chắn khách hàng của bạn không muốn một ngày đẹp trời bị kiện tụng, đòi tiền vì một tấm ảnh mà họ không chủ ý sử dụng rồi. Còn nếu bạn có thể kiếm ra nhiều tiền nhờ một đoạn nhạc, một tấm ảnh, thì đừng ngại ngần rút hầu bao chi khoản tiền xứng đáng cho điều đó. Những người sáng tạo, họ cũng như bạn, đều cần tiền để tiếp tục công việc của mình.
Hà Bi