Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Để ‘Tình anh bán chiếu’ nơi dòng sông Ngã Bảy được nhiều người biết đến

(SGTT) – Hệ sinh thái sông nước độc đáo, hoang sơ, văn hóa miệt vườn trù phú và con người hồn hậu là những lợi thế cho việc phát triển du lịch tại thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, để bứt phá và thu hút du khách, nhiều chuyên gia cho rằng, nơi đây cần tạo được "dấu ấn riêng" trong bản đồ du lịch khu vực.

Có lợi thế, nhưng còn nhiều điều cần làm

Thành phố Ngã Bảy cách trung tâm thành phố Cần Thơ chưa đầy 1 giờ lái xe. Nơi đây là vùng sông nước chằng chịt, nổi tiếng khi là điểm giao thoa của của bảy dòng kênh Cái Côn, Quản lộ - Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong, Xẻo Môn. Từ lợi thế này, Ngã Bảy đã trở thành đầu mối giao thông đường thủy quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự những tỉnh, thành tại vùng đất Tây Nam bộ, Ngã Bảy cũng có rất nhiều tài nguyên cho việc phát triển du lịch như sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường sống trong lành, con người hiền hòa, thân thiện và lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo.

Du khách xem nướng cá tại thành phố Ngã Bảy.

“Ngã Bảy còn được mệnh danh là “kinh đô sông nước”, với khu chợ nổi Phụng Hiệp danh tiếng một thời, đi vào lời ca tiếng hát. Nơi đây cũng tồn tại nhiều nghề truyền thống lâu đời như đóng ghe xuồng, đan cần xé, hầm than… Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc ý nghĩa như Đình thần Phụng Hiệp với Lễ hội Kỳ Yên Hạ Điền, Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ, Chùa Già Lam Cổ Tự...

Song song tài nguyên du lịch văn hoá, tiềm năng phát triển du lịch đặc thù còn được thể hiện qua nhiều lợi thế, nhất là tài nguyên du lịch tự nhiên với nhiều vườn cây ăn trái như dâu da, măng cụt…”, ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Lữ hành Chim Cánh Cụt, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, cho biết trong hội thảo "Sức bật du lịch và xúc tiến đầu tư thành phố Ngã Bảy năm 2024" do UBND TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) tổ chức vào ngày 29-6.

Toàn cảnh hội thảo "Sức bật du lịch và xúc tiến đầu tư thành phố Ngã Bảy năm 2024" tổ chức vào ngày 29-6.

Dù có lợi thế phát triển du lịch nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Ngã Bảy vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, các sản phẩm du lịch đường sông ở Ngã Bảy vẫn chưa hình thành rõ nét, chủ yếu tự phát, chưa có sự quy hoạch cụ thể nhằm định hướng phát triển loại hình này. Nhu cầu của khách du lịch vẫn là những trải nghiệm và khám phá, nhất là khi đến vùng Tây Nam bộ, họ rất cần được nhìn thấy được sự “hữu tình” như tiếng vang từ trước đến giờ của nơi đây. Và với sự nổi tiếng, riêng biệt về bảy dòng kênh sẵn có, những người làm du lịch Ngã Bảy cần xem xét làm đậm thêm nét riêng của địa phương.

Một thách thức khác đối với du lịch tại đây là hệ thống đường sá, cầu cảng, cơ sở lưu trú và các dịch vụ hỗ trợ du lịch vẫn còn hạn chế. Chính điều này gây khó khăn cho việc di chuyển và lưu trú của du khách, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của du khách.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị lữ hành, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế cũng là một thách thức lớn tại đây. Thông tin về các điểm đến, dịch vụ du lịch, các sự kiện văn hóa tại Ngã Bảy chưa được quảng bá rộng rãi và hiệu quả.

"Nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Thêm nữa, trong khi nhiều điểm đến du lịch khác đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá, Ngã Bảy vẫn còn chậm chân. Việc không tận dụng được các nền tảng trực tuyến như website, mạng xã hội và ứng dụng di động làm giảm khả năng tiếp cận và tương tác với du khách”, ông Thanh, nói.

Đâu là dấu ấn?

Muốn tránh rơi vào cảnh trùng lắp, nhàm chán, Ngã Bảy cần có sản phẩm đặc trưng của vùng và điều này được rất nhiều chuyên gia tại hội thảo nhấn mạnh.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam ý kiến trong hội thảo, “Vùng có thế mạnh du lịch nông nghiệp nhưng cần phải chú ý đến cách thức tổ chức. Du khách đến vườn cây ăn trái không chỉ đến hái rồi thưởng thức. Chẳng hạn trái dâu, trái sầu riêng nơi đâu cũng có, do đó muốn khách chọn đến Ngã Bảy mà không phải nơi khác thì phải tạo giá trị riêng biệt của địa phương, muốn có người nghe thì phải kể được câu chuyện”.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, chia sẻ tại hội thảo.

Mỗi vùng đất, mỗi xứ sở sẽ có những câu chuyện riêng của nơi ấy. Từ câu chuyện lịch sử hình thành và phát triển đến những câu chuyện kinh tế thời nay. Chính vì thế, thành phố Ngã Bảy cũng có thể phát huy giá trị này và tận dụng "đặc sản" về sông nước và chợ nổi để tạo dấu ấn.

Theo lời Nhà nghiên Văn hóa Nam bộ - ông Nhâm Hùng, tuy bây giờ chợ nổi không còn, và cũng rất khó để có thể khôi phục, tốt hơn cần có những kế hoạch tái hiện, có thể đầu tư thành một chợ nổi du lịch, hoặc tạo hoạt cảnh. Ngoài ra, bảy ngả kênh là tài nguyên du lịch của Ngã Bảy, hoàn toàn có thể hình thành các tour du lịch và các khu du lịch từ lợi thế này.

Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly chia sẻ, "Thời gian gần đây, các nét văn hóa truyền thống, các câu chuyện dân gian của Việt Nam đang được sân khấu hóa. Trong nỗ lực tìm kiếm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, du lịch Ngã Bảy đã mạnh dạn thử sức tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu hóa 'Tình anh bán chiếu' tái hiện một góc chợ nổi, tạo dấu ấn cho người dân và du khách về hình ảnh Ngã Bảy".

Hoạt cảnh tái hiện chợ nổi và bài ca cổ vang bóng một thời “Tình anh bán chiếu” diễn ra vào tối ngày 28-6, tại thành phố Ngã Bảy.

Việc tăng cường hợp tác kết nối tour, tuyến đường sông với các địa phương lân cận chưa
được thực hiện nhiều, việc kết nối du lịch với các tỉnh thành lân cận cũng là điều cần quan tâm. "Trong giai đoạn ngắn, Ngã Bảy cần tập trung đầu tư tuyến sản phẩm theo sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy trở thành sản phẩm du lịch chủ lực để có thể kết nối với các tuyến du lịch khác trong vùng từ Cần Thơ đến Ngã Bảy, từ Ngã Bảy tỏa ra các tuyến du lịch khác đi Sóc Trăng và Cà Mau", ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên Cứu du lịch xã hội thông tin.

Trình bày trong hội thảo về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Xuyên, Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy, cho biết, thực hiện chủ trương phát triển 4 mũi nhọn công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch của tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư, mở rộng trung tâm thành phố. Xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị, nâng cấp hạ tầng dịch vụ du lịch hiện có, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Ông Xuyên cũng thông tin, thành phố Ngã Bảy đang kêu gọi nhà đầu tư cho 15 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như cụm công nghiệp Tân Thành, trung tâm logistics, chợ đầu mối và trung tâm sơ chế nông sản; siêu thị, các khu đô thị, giáo dục, y tế… Thành phố không chỉ mời gọi, thu hút các nhà đầu tư quan tâm mà quan trọng hơn là sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ để triển khai nhanh các dự án trên địa bàn thành phố, chủ tịch thành phố Ngã Bảy nói.

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối