Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Để tránh mua phải hàng giả, nhái

(SGTT) - Mua sắm trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều người tiêu dùng nhờ có hàng hóa đa dạng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, để tìm được một món hàng ưng ý ở các sàn này không phải là chuyện dễ dàng khi hàng giả, nhái và kém chất lượng vẫn còn xuất hiện.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, trong tám tháng đầu năm nay, cục đã tiếp nhận hơn 300 vụ khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng về các đơn khiếu nại liên quan đến doanh nghiệp. Trong đó, có những đơn khiếu nại liên quan đến việc mua phải hàng giả, hoặc nhận được sự hỗ trợ, bảo hành không thỏa đáng của các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Thế nên, người tiêu dùng nên “bỏ túi” năm điều sau đây nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng.

1. Chọn hàng do ai bán?
Hàng hóa trên các sàn TMĐT hiện có hai dạng: hàng do chính sàn TMĐT chọn lựa, phân phối và bán ra như Tiki Trading hoặc hàng do các cửa hàng có đăng ký bán trên sàn. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực này, bạn nên chọn mua hàng do sàn TMĐT phân phối, bởi món hàng đó đã được đội ngũ sàn xác thực về xuất xứ nên sẽ bảo đảm chất lượng. Còn đối với hàng hóa do các cửa hàng trên sàn bán ra thì dễ gặp rủi ro về hàng giả, nhái do các sàn chưa thật sự sát sao trong việc kiểm tra món hàng đó có thực sự là hàng chính hãng hay không? Thế nên, việc trà trộn thêm hàng giả, nhái để bán là điều rất dễ xảy ra và là một hiện trạng gây nhức đầu cho người mua hàng, nhà bán hàng nghiêm túc.

2. Kiểm tra thông tin, độ tin cậy nhà bán hàng
Nếu chọn mua hàng từ các nhà bán hàng trên sàn, bạn cần kiểm tra thông tin của nhà bán hàng đó. Cụ thể, thông tin bao gồm thời gian mở cửa hàng (ưu tiên chọn cửa hàng có thời gian hoạt động trên sàn tính bằng năm), độ uy tín cửa hàng (với các cửa hàng có mức độ đánh giá uy tín thấp thì bạn nên hạn chế mua), xem đánh giá sản phẩm từ các người mua trước (sàng lọc các đánh giá đó để nhận định về độ uy tín của cửa hàng, nên ưu tiên các đánh giá liên quan đến mặt hàng mình dự định mua).

3. So sánh giá bán thông qua công cụ
Khi kiếm được món hàng cần mua trên các sàn, người mua nên so sánh thêm giá bán của chúng thông qua các trang web so sánh giá như sosanhgia.com, websosanh.vn, sore.vn, topgia.vn… Kinh nghiệm để có mức giá tốt cho một món hàng là bạn lấy giá bán thấp nhất cộng với giá bán cao nhất và chia cho 2. Sở dĩ không chọn giá thấp nhất bởi ở mức giá này thì rủi ro hàng giả, nhái sẽ là rất cao.

4. Theo dõi quá trình vận đơn
Đây là yếu tố quan trọng trong mua sắm trực tuyến tại các sàn TMĐT. Bởi có nhiều vụ khiếu nại đến từ người tiêu dùng khi nhận hàng từ sàn TMĐT giao và khi mở ra thì phát hiện đó là hàng giả. Tuy nhiên, khi họ báo lên sàn thì được trả lời rằng đơn hàng này không do sàn giao. Kẽ hở này thật ra nằm ở chỗ nhà bán hàng đã hủy đơn hàng hoặc để đơn hàng ở trạng thái “treo” sau khi thấy có một người khách đặt hàng. Sau đó, họ chủ động liên lạc với người mua để bàn về việc giá bán, cách thức nhận hàng. Người mua thì thấy cuộc điện thoại đến với đầy đủ thông tin khi mua hàng nên yên tâm là sàn TMĐT đó giao và họ chỉ việc nhận hàng. Chính vì thế, người tiêu dùng sau khi đặt hàng trên sàn TMĐT thì nên theo dõi tình trạng đơn hàng. Nếu đơn hàng ở trạng thái bị “hủy” mà vẫn có người gọi giao hàng thì có khả năng là nhà bán hàng đó gian lận để bán được hàng giả, nhái mà vẫn không bị sàn TMĐT phát hiện ra.

5. Quay phim quá trình mở gói hàng
Tuy các sàn đã có đường dây nóng, bộ phận hỗ trợ khách hàng khi có sự cố xảy ra trong khi mua sắm như mua phải hàng giả, nhái. Nhưng khi giá trị đơn hàng nhỏ mà các thủ tục liên quan đến khiếu nại, bồi hoàn từ các sàn lại phức tạp thì nhiều người chọn không khiếu nại để tránh mất thời gian. Tuy nhiên, với những đơn hàng có giá trị lớn không thể bỏ qua thì người mua nên lưu ý đừng vội mở hàng sau khi nhận mà nên dùng điện thoại để ghi hình lại quá trình mở món đồ đó. Nếu phát hiện món đồ đó là giả, bạn có thể gửi đoạn ghi hình lên bộ phận chăm sóc khách hàng của các sàn. Thông thường, yếu tố này được các sàn xem là bằng chứng quan trọng để hỗ trợ khách hàng trong việc đổi, trả hàng hóa.

Gian hàng “ma”, lừa đảo thiệt
Gần đây, có nhiều vụ lừa đảo xảy ra trên các sàn thương mại điện tử khi một số sàn bỏ chính sách đồng kiểm hàng hóa. Lợi dụng điều này các gian hàng “ma” sẽ giao hàng giả, nhái cho người mua bởi người mua không được mở hàng ra khi nhận. Dù sau đó, người mua phát hiện ra hàng giả, nhái và kiện lên sàn TMĐT thì cũng không được sàn giải quyết bởi kẽ hở như đã nêu ở lưu ý số 4. Chính vì vậy, người dùng nên chọn mua sắm ở các sàn TMĐT có chính sách đồng kiểm để có thể kiểm tra món hàng ngay khi nhận. Nếu mua hàng ở sàn TMĐT không có chính sách đồng kiểm thì người mua nên áp dụng lưu ý số 5 để có bằng chứng thuyết phục gửi sàn TMĐT khi mua phải hàng giả, nhái.

Phúc An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối