Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Để trẻ tận hưởng hè khỏe mạnh

Nắng mưa thất thường dễ gây ra nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ em, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè. Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, phụ huynh nên quan tâm trẻ về vấn đề hô hấp, ăn thức ăn có đủ vitamin, rau và uống đủ nước để phòng bệnh cho cơ thể.

Trẻ em cần được ăn các món ăn nhiều dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng trong mùa hè

Theo Ths.BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, hiện nay nhiều trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM với những chứng bệnh do nhiễm vi rút, siêu vi gây ra.

Nguy cơ từ vi sinh vật

Khi thời tiết nắng nóng, việc không bảo quản đúng cách đồ ăn và cách chế biến thiếu vệ sinh là nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là ở môi trường học đường như nhà trẻ, trường mầm non. Trong số đó, trẻ thường mắc bệnh tiêu chảy, nhất là tiêu chảy cấp. Bệnh tiêu chảy thường bùng phát trong mùa nóng là do thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh. Ngoài ra, trẻ em hiếu động, hay khát nước nên dễ uống phải những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.

Thời tiết oi bức còn làm bùng phát những căn bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm mũi xuất tiết, viêm A-mi-đan, viêm VA… Hầu hết nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi là do nhiễm siêu vi trùng. Khi bị bệnh trẻ thường bị sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, thậm chí nhức đầu, buồn nôn, nôn… gây mệt mỏi và khó ăn uống.

Ghi nhận tại những bệnh viện nhi, mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ em dễ bị nhiễm siêu vi khuẩn gây bệnh. Hiện có hơn 200 chủng siêu vi đã được phân lập, trong đó có một số siêu vi cần chú ý như siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết, siêu vi gây bệnh tay chân miệng, siêu vi sởi, cúm, siêu vi gây bệnh thủy đậu.

Đặc biệt, Ths.BS Phạm Văn Phiến tại trạm Y tế quận 3 cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do các chủng virus cúm mùa gây ra, thường xuất hiện khi thời tiết nắng mưa thất thường. Virus cúm mùa có tính chất dễ biến đổi chủng loại cho ra các chủng virus cúm mới dẫn tới việc phòng bệnh và chữa bệnh khó khăn. Tại Việt Nam, ghi nhận hàng năm có khoảng 1,5-1,8 triệu trường hợp mắc bệnh cúm. Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đối với trẻ em và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu như người lớn tuổi và phụ nữ mang thai.

Để chủ động phòng tránh các bệnh do vi sinh vật gây ra cho trẻ em, BS. Phiến khuyến cáo cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, thường xuyên rửa tay sạch với xà phòng. Vệ sinh răng miệng, mũi, họng sạch sẽ hàng ngày bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể vào sáng sớm. Ngoài ra, cơ thể cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, tiêm vaccin cúm mùa mỗi năm vào tháng mười đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi.

Phòng ngừa thương tích

Trong mùa hè, các em học sinh được đi du lịch, đi về quê và ở nhà nhiều hơn. Đây cũng là thời gian nhiều trẻ em gặp tai nạn đáng tiếc. BS.Nguyễn Văn Phước, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM, cho biết tai nạn thường gặp nhất ở trẻ em là bỏng/cháy, đặc biệt là ở các bé từ 2-5 tuổi.

Các em dễ bị bỏng vì bản tính hiếu động, tò mò và nhiều khi còn do sự bất cẩn của người lớn. Các loại bỏng thường gặp ở trẻ có thể kể đến bỏng do nước sôi, bỏng bàn ủi, bỏng ống bô xe máy, bỏng do hơi nóng của bếp, lò nướng, lò vi sóng. Ngoài ra còn có các loại bỏng hóa chất do vôi tôi, bỏng axít, kiềm… Nguyên nhân thường là nhầm nước uống với các loại hóa chất đóng trong chai không nhãn mác. Ngoài ra còn có bỏng khi bị sét đánh/điện giật do trẻ nghịch điện hoặc bị sét đánh khi chơi ngoài đồng. Loại tai nạn này thường rất nghiêm trọng, có thể gây chết người vì vết cháy lớn và tim ngừng đập.

Tai nạn do bị các vật sắc nhọn đâm, cắt phải cũng là một loại thương tích thường gặp ở trẻ em. Thương tích do vật sắc nhọn ở mức độ nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng cơ thể, gây nhiễm trùng, hoại tử chi, đe dọa tính mạng của trẻ. Đuối nước cũng là tai nạn thường gặp khi các em nhỏ đi tắm biển, sông, suối. Ngoài ra còn có một số loại tai nạn thường thấy khác như bị vật nuôi cắn, bị ngã chấn thương do leo trèo, chạy nhảy.

Để phòng ngừa tai nạn cho trẻ em, BS. Phước khuyến cáo phụ huynh nên để mắt liên tục đến trẻ trong khi chơi cũng như cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày, tránh để các vật dụng sắc nhọn, ổ điện hở, các loại nước, hóa chất trong tầm tay của trẻ.

Bình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối