Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024

Để trẻ tự giác học tập tại nhà

Cẩm Anh -

Khi bước vào độ tuổi đi học, việc tạo thói quen tự giác học tập tại nhà cho trẻ là rất quan trọng và là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh. Theo chuyên gia giáo dục đánh giá, thói quen tự học là một yếu tố quan trọng để trẻ chủ động tích lũy kiến thức cho tương lai.

Cha mẹ tìm mọi cách ép trẻ học

Qua các diễn đàn trên mạng, nhiều phụ huynh than phiền về việc trẻ không tự giác học ở nhà, họ mệt mỏi khi hàng ngày phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau từ để ép con ngồi vào bàn học. Nhiều phụ huynh đã thử dỗ ngon ngọt hoặc la mắng, hù dọa, thậm chí cả đánh đòn nhưng trẻ vẫn không tự giác học.

Chị Nguyễn Lại Thanh, nhà ở quận 3, TPHCM, cho biết con trai chị năm nay đã học lớp 4 nhưng cháu rất lười khi phải học bài ở nhà. Mỗi khi đến giờ học của con, chị cũng phải nhắc nhở, quát mắng và cả dỗ ngọt để con học bài. “Cô giáo nói cháu tiếp thu tốt nhưng lại không chịu học. Tôi phải nhắc thì cháu mới chịu ngồi vào bàn học, chứ không hề biết tự giác. Phải có ba hoặc mẹ ngồi bên mới khiến cháu tập trung”, chị Thanh nói.

Tương tự, hai đứa con của chị Thu Luyến, nhà ở quận 10, cũng không khá hơn. Chị kể, tối nào cũng phải quát tháo thúc giục hai con học bài. Bé gái học lớp 5 và bé trai lớp 3 ăn tối xong là ngồi xem hoạt hình hoặc có ngồi vào bàn học thì cũng cứ “lì” ra, tìm đủ mọi cách để trốn học như khát nước, buồn ngủ, đau bụng… Theo chị Luyến, bé gái càng lớn càng không chịu nghe lời, nếu chị hỏi học bài chưa thì cháu luôn trả lời “con làm rồi” hoặc “không có bài”. Đến khi chị kiểm tra sách vở thấy chưa làm bài thì con trả lời là không nhớ hoặc con không biết làm.

Trường hợp của anh Đắc Nhân, nhà ở quận Bình Thạnh, có con học lớp 2 thì khá hơn vì con anh đã chủ động ngồi vào bàn học đúng giờ. Tuy nhiên, anh Nhân cho biết, cháu không tập trung học được lâu và dễ bị phân tán tư tưởng vào những chuyện khác. Anh than vãn: “Bọn trẻ bây giờ tâm trí phân tán, khó tập trung vì có quá nhiều thứ hấp dẫn bên cạnh như tivi, game, mạng xã hội... Bây giờ mà cha mẹ cứ phải dành cả buổi tối ngồi kèm con thì không làm được việc gì”.

Để con tự giác học tập là băn khoăn lo lắng của nhiều phụ huynh. Ảnh: Cẩm Anh

Có nhiều kinh nghiệm tư vấn tâm lý tuổi học trò, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết thông thường cha mẹ hay có thói quen ép con vào khuôn khổ nhất định, tuy nhiên việc này sẽ dễ gây tác dụng ngược với mong muốn của phụ huynh. Vì quá ràng buộc, nhiều trẻ sẽ có biểu hiện cáu gắt, mệt mỏi và kháng cự lại, đến một lúc nào đó trẻ sẽ cố gắng tìm đủ mọi cách để thoát ra sự ràng buộc đó.

Không quá giám sát việc học của con

Theo thạc sĩ Huyền, thực tế cho thấy bố mẹ càng hay thúc giục hay ngồi cạnh nhắc nhở giúp đỡ con học tập sẽ khiến con nghĩ rằng việc học là trách nhiệm của cha mẹ, không phải của trẻ.

Bên cạnh đó, tâm lý chung của các bậc phụ huynh vì sợ thành tích học tập của con không tốt và lo con chểnh mảng nên luôn giám sát con mọi lúc mọi nơi. Thời gian bên cạnh, cha mẹ sẽ kiểm tra bài của con, làm bài tập cùng con, học cùng con… điều này sẽ khiến trẻ luôn ỷ lại bố mẹ, không độc lập và tự giác trong việc học. Cho nên, theo chị Huyền, cha mẹ nên hạn chế việc nhắc nhở con học bài quá nhiều. “Điều cần thiết là phải để trẻ nhận ra việc học là việc của con, không phải của cha mẹ, nếu nhắc thì sau này nó cứ chờ ta nhắc rồi chúng mới học”, chị nói.

Thay vì thường xuyên nhắc nhở con học hành, cha mẹ nên phối hợp với giáo viên của trẻ để phạt những trường hợp trẻ quên làm bài tập. Nhiều trẻ khi không bị nhắc học, trẻ sẽ quên luôn làm bài tập và cô giáo sẽ có đủ khả năng nhắc học mà trẻ vẫn hiểu việc học là của chúng hơn là cha mẹ. Chị Huyền cho biết: “Cha mẹ nên làm cho trẻ hiểu rằng trẻ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bằng việc tự hoàn thành bài tập về nhà”.

Ngoài ra, cha mẹ có thể dành tặng con những lời khen khi con được điểm tốt, tạo động lực cho trẻ phát huy. Tuy nhiên, cha mẹ nên cân nhắc việc tặng thưởng khi trẻ học tốt vì điều đó sẽ tạo cho trẻ suy nghĩ học để được thưởng. Khi trẻ hiểu việc học là việc của của bản thân, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và có trách nhiệm hơn.

Tùy trường hợp cụ thể

Theo thạc sĩ Huyền, đa số trẻ em thường có tâm lý không thích phải về nhà và ngồi vào bàn làm bài sau một ngày học miệt mài trên lớp. Vì vậy, cha mẹ cần từ bỏ mong muốn con bỗng nhiên thích làm bài về nhà, thay vào đó nên tìm hiểu phương pháp để bé tự giác làm điều này.

Trẻ con thường rất hay mất tập trung, vì vậy cha mẹ nên sắp xếp góc học tập yên tĩnh và cố định để trẻ tập trung cao độ vào việc học. Khi học, trẻ cần tránh xa các thiết bị như tivi, máy tính. Cha mẹ cũng không nên trò chuyện lớn tiếng hoặc lui tới vị trí học tập của trẻ quá nhiều.

Chị Huyền cho rằng, đứa trẻ nào cũng có bài tập về nhà cho nên cha mẹ cần cho con một khoảng thời gian cố định cho việc học, bằng cách trao đổi với con về thời gian học mà con muốn. Thời gian biểu phần nào sẽ giúp con tập trung hơn và xây dựng cho trẻ ý thức học tập tự giác. Khi đã nắm được các phương pháp tự học hiệu quả, trẻ sẽ tự giác và chủ động với việc học tại nhà.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối