Thứ sáu, Tháng tư 4, 2025

Đề xuất chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, TPHCM

Trần Thiện Phong -

Báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 19-6-2016 có bài viết Sài Gòn vào mùa ngập sâu, kẹt lâu. Bài viết nói về việc chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa, nhiều tuyến đường tại TPHCM đã ngập nặng. Chuyện đi lại của người dân thành phố trong mùa mưa năm nay sẽ tiếp tục vất vả bởi tình trạng ngập úng vẫn chưa được khắc phục triệt để trong khi “lô cốt” xuất hiện nhiều. Một trong những con đường ngập nặng vào mùa mưa là đường Nguyễn Hữu Cảnh, ở quận Bình Thạnh.

_mg_7713Ngập nước đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Sau khi báo đăng, tòa soạn đã nhận được phản hồi của độc giả Trần Thiện Phong, hiện là giảng viên Khoa Quản lý đất đai, trường Đại học Tài Nguyên-Môi trường TPHCM. Ông đã đưa ra những đề xuất chống ngập cho con đường Nguyễn Hữu Cảnh như sau:

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn Ngô Tất Tố – cầu Sài Gòn, thuộc quận Bình Thạnh) dài 1,5 km, độ rộng lòng đường 40 m và mỗi chiều 20 m. Mặc dù hai bên đường có hệ thống thoát nước, nhưng những cơn mưa to đều gây ngập 0,5-1 m là do nước thoát không kịp dù con đường có điểm cuối giáp sông Sài Gòn và điểm đầu cách sông Sài Gòn chỉ 300 m.

Biện pháp chống ngập vĩnh viễn cho đường này là đào kênh thoát nước mưa bằng bê tông cho con đường này.

Theo đó, thiết kế kênh thoát nước bê tông có lót đáy, cấp kỹ thuật VI, với kích thước kênh rộng 2,5 m cao 1,2 m, bên trên có hoặc không đậy nắp đan, với giá thành 11,7 tỉ đồng/km.

Có hai phương án bố trí kênh thoát nước. Phương án thứ nhất nếu hai chiều đường Nguyễn Hữu Cảnh đều ngập thì bố trí kênh thoát nước ở giữa đường. Phương án hai là bố trí kênh thoát nước ở 2 chiều đường, mỗi kênh có kích thước rộng 1 m và cao 1 m, bên trên đậy nắp đan khung thép chịu lực tốt, lỗ thưa để thoát nước mưa và các xe cộ đi lại được, giá thành 4,2 tỉ đồng/km, cộng cả chi phí lắp đặt đan, tổng kinh phí là 13,5 tỉ đồng/km.

Tại các điểm đầu và cuối của kênh tiếp giáp đường Ngô Tất Tố và sông Sài Gòn, đều có hệ thống cửa điều tiết. Tùy theo cao độ hiện hữu từng khúc của đoạn đường này mà thiết kế độ dốc kênh từ điểm Ngô Tất Tố chảy hướng thoát về sông Sài Gòn hoặc ngược lại, trường hợp độ dốc nước thoát từ phía cầu Sài Gòn về điểm giao với đường Ngô Tất Tố thì làm nối thêm đoạn kênh thoát nước khoảng 300 m cặp dưới chân cầu Thủ Thiêm đổ ra sông Sài Gòn, chi phí sẽ tăng khoảng 20% nữa, tổng cộng 16,2-21,6 tỉ đồng/km.

Việc thi công kênh thoát nước trên đường này nên làm vào ban đêm và sử dụng máy móc cơ giới để thực hiện nhanh. Ngoài ra, loại kênh thoát nước bê tông này đã có quy chuẩn xây dựng, nên đúc sẵn ở nơi khác, khi tiến hành đào đường thì chở đến đặt xuống ngay. Tương tự, các nắp đan thép cũng được sản xuất sẵn chỉ cần đậy lên kênh sau khi đặt ống kênh xong.

Tôi cho rằng cách làm này giúp rút ngắn thời gian thực hiện đào đường và hoàn thiện là không quá một tháng. Sau thi công, hệ thống kênh thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh này có sức chứa 3.500-5.000 m3 nước đổ thẳng ra sông Sài Gòn và cùng chia việc thoát nước với các hố ga hai bên đường.

Nếu đề xuất này được thực hiện đảm bảo con đường này sẽ không còn ngập nặng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối