Trúc Diễm -
Theo tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012 mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đề xuất hai phương án tăng giờ làm thêm.
Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và một năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Với phương án thứ nhất, số giờ làm thêm sẽ tăng gấp đôi so với quy định hiện nay. Theo đó, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá năm ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong một năm.
Với phương án thứ hai, số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá năm ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ, và không giới hạn tổng số giờ làm việc trong một năm như phương án thứ nhất.
Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và một năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Song, qua thực tiễn áp dụng, nhiều ý kiến doanh nghiệp đề nghị cần tăng giờ làm thêm để đáp ứng nhu cầu sản xuất của đa số doanh nghiệp. Hơn nữa, tăng giờ làm thêm còn đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khá đông người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thêm thu nhập.
Cũng theo các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, việc tăng giờ làm thêm còn làm tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước. Ví dụ, Trung Quốc số giờ làm thêm là 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng, Lào: 45 giờ/tháng...
Dự thảo luật đang được lấy ý kiến, theo kế hoạch sẽ trình Chính phủ vào tháng 1-2017, trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3-2017, và sẽ trình Quốc hội vào tháng 4-2017.