Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Đem tiền mua tuổi thọ

Giới nhà giàu ngày nay càng lúc càng chi nhiều tiền hơn để đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Nhiều người giàu có ngày nay sẵn sàng chi trả để tận hưởng các sản phẩm và dịch vụ giúp kéo dài tuổi thọ. Ảnh: South China Morning Post.

Huyền thoại của làng công nghệ thế giới, Steve Jobs, đã ra đi ở tuổi 56 bởi căn bệnh ung thư. Gia sản kếch xù vẫn không thể giúp ích gì được cho ông trên giường bệnh. Trong những lời trăn trở cuối cùng ông đã nói: “Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống.” Đây chính là lời cảnh tỉnh dành cho toàn thể nhân loại nên biết trân trọng sức khoẻ của mình cho cuộc sống lâu dài hơn. Và để đạt được điều đó, ngày nay càng có nhiều người giàu có sẵn sàng móc hầu bao chi cho những khoản tiền khổng lồ nhằm kéo dài tuổi thọ.

Trong thế kỷ 20 tuổi thọ trung bình của chúng ta đã tăng gần gấp đôi từ 40 lên 70 năm. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người dân ở các nước Tây Âu và châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, còn có thể đạt được tuổi thọ cao hơn, vượt qua con số 80. Theo dữ liệu của OECD, tại Nhật Bản, p,hụ nữ có tuổi thọ trung bình là 87, nhỉnh hơn so với nam giới với 81 tuổi. OECD cho biết thêm: "lối sống lành mạnh hơn, thu nhập cao hơn, học vấn tốt hơn là những yếu tố đã tăng tuổi thọ trung bình trong những thập kỷ gần đây". Trong một cuộc khảo sát mới đây của công ty dịch vụ tài chính UBS, 53% số người thuộc giới đầu tư giàu có cho biết họ mong đợi sẽ được sống đến 100 tuổi.

Sự trường thọ là đắt đỏ

Với sự phát triển của kỷ nguyên khoa học công nghệ, việc đạt được con số mơ ước như nói trên không phải là điều quá xa vời. Bởi vì hiện nay chúng ta đang đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu về ung thư, vi khuẩn, di truyền học và cả công nghệ nano.

Tuy nhiên trong việc kéo dài tuổi thọ, lợi thế luôn nghiêng về những người trong giới nhà giàu và thượng lưu. Một nghiên cứu năm 2016 được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã cho thấy ở Mỹ, những phụ nữ có thu nhập cao nhất sống lâu hơn 10 năm so với người nghèo nhất. Đối với nam giới, khoảng cách tuổi thọ giữa người giàu nhất và người nghèo nhất còn xa hơn, nằm ở mức gần 15 năm.

Để có thể đạt được tuổi thọ 100 năm là một sự đầu tư lớn về tiền bạc. Chúng ta phải chi tiêu nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe, chất lượng thực phẩm, tập thể dục thể thao thường xuyên và các dịch vụ có thể kéo dài tuổi thọ. Trong cuộc khảo sát của công ty UBS, tập trung vào những người có tài sản đầu tư hơn 1 triệu đô la Mỹ, 91% cho biết họ đang “thay đổi kế hoạch tài chính do tuổi thọ tăng lên”. Ngay cả những người giàu có cũng không khỏi lo lắng về chi phí chăm sóc sức khỏe ngày một tăng.

Tuy biết chi phí chăm lo chất lượng sống là đắt đỏ, xu hướng chung cho thấy giới nhà giàu sẵn sàng hy sinh tiền bạc để có thêm tuổi thọ. Chín trong số 10 người giàu có đồng ý rằng “sức khỏe quan trọng hơn sự giàu sang”. Với câu hỏi liệu họ sẽ sẵn sàng hy sinh của cải “để đảm bảo thêm 10 năm sống khỏe mạnh” hay không, các câu trả lời thay đổi theo mức độ giàu có.

Mảng kinh doanh sinh lời và sôi động

Việc nghiên cứu những phương pháp kéo dài tuổi thọ đã trở thành ngành công nghệ có giá trị hàng tỉ đô la Mỹ. Nhiều công ty lớn trong ngành công nghệ đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu để tìm ra phương pháp nâng cao tuổi thọ cho con người, điển hình là người khổng lồ Google.

Quỹ đầu tư của Google - Google Ventures - đang đầu tư 36% trong số vốn 2 tỉ đô la của mình cho các dự án khởi nghiệp về khoa học sự sống. Trong các dự án này có một số dự án rất tham vọng nhắm đến việc chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Đó cũng là một phần lý do Google cho ra đời công ty con Calico vào năm 2013. Calico ra đời với tham vọng tìm hiểu những nguyên lý kiểm soát tuổi thọ của con người, can thiệp vào chúng và kéo dài tuổi thọ. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2015, Bill Maris – Giám đốc quản lý quỹ đầu tư Google Ventures – đã hùng hồn nói rằng "Nếu hôm nay bạn hỏi tôi, liệu ta có thể sống được đến 500 tuổi hay không, thì câu trả lời là có".

Các tập đoàn công nghệ lớn khác như Apple hay Samsung cũng không hề chậm chân khi đưa ra những dự án với cách tiếp cận riêng. Với nền tảng HealthKit, Apple hy vọng sẽ có thể thu thập dữ liệu quý về sứ khỏe của con người từ các thiết bị của mình và đem đi cộng tác nghiên cứu với trung tâm khoa học, ví dụ như Mayo Clinic. Trong khi đó, Samsung đầu tư mạnh vào mảng thiết bị y tế với việc công ty con Samsung Medicson trở thành nhà sản xuất thiết bị chẩn đoán bệnh hàng đầu thế giới.

Nhu cầu lớn và lợi nhuận cao mang đến động lực sáng tạo trong nghiên cứu khoa học kéo dài tuổi thọ. Nhờ đó, khát vọng của giới nhà giàu nói riêng và con người nói chung về việc sống trên 100 tuổi hoàn toàn có cơ sở để trở thành chuyện thường thấy.

Lâm Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối