(SGTT) - Theo sử liệu, năm 1865, Pétrus Trương Vĩnh Ký thành lập tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở nước ta lúc bấy giờ mang tên Gia Định báo. Sự kiện này có thể xem như một cột mốc lịch sử của báo chí Việt Nam và với riêng cá nhân ông, một người có nhiều đóng góp cho văn hóa Việt.
- Khai mạc triển lãm ảnh Báo chí thế giới tại Công viên Lê Văn Tám, TPHCM
- Mời tham dự buổi giao lưu thân mật: Những mối tình báo chí
Làng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nổi tiếng là xứ hoa kiểng. Từ Sài Gòn, qua Cầu Hàm Luông, trẩy theo quốc lộ 57, dọc hai bên đường sẽ thấy người dân đang gieo trồng hoa kiểng, mỗi nhà một giống, một loại, tất bật.
Tới Cái Mơn tức trở về với làng quê thuần hậu. Ðường về miền quê này bây giờ đã thông thoáng nhiều rồi. Lộ xe thẳng tắp. Xe lớn, xe nhỏ nối đuôi. Con đường chạy ngang nhà dòng người ta còn đang mở rộng. Mấy khúc, bụi bay mù mịt. Từ trên xe, nhìn hai bên đường, nhà cửa khang trang, tươi mới. Dọc con lộ, những hoa là hoa, người cắt tỉa, kẻ bón phân, lụi cụi, rôm rả. Nghề trồng hoa kiểng ở đây cứu bà con thoát nghèo. Nhà nào cũng cao ráo không còn cảnh xập xệ, rách nát như trước.
Dân Cái Mơn, cách này hay cách khác, từ trí thức cho đến kẻ nông phu mộc mạc, hầu như ai cũng biết đến Trương Vĩnh Ký, còn được gọi là Pétrus Ký, sinh ngày 6-12-1837 tại làng Cái Mơn (huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh-Long - nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Tới ngay nhà thờ, trước cổng Tu viện Mến Thánh Giá Cái Mơn, khách chỉ cần hỏi địa chỉ bia tưởng niệm ông, là người dân hồ hởi chỉ ngay; đã vậy, lại còn nhiệt tình chở xe để người từ xa được dịp mục sở thị vì “cách đây có một khúc thôi mà!”. Bia được đặt cách nhà thờ Cái Mơn một đoạn chừng 300m.
Nhà bia có 4 mặt, không có vách, với 16 cột tròn bằng xi măng, mái lợp ngói. Bên trong có bia được làm bằng đá xanh, cao khoảng 2,5m, được điêu khắc khá công phu với sự phối hợp Đông- Tây: Phía trên hình tượng lưỡng long tranh châu là hình tượng Thánh giá. Mặt trước, quay ra hướng rạch Ông Mầu, bia được khắc bằng 3 ngôn ngữ là tiếng Pháp, chữ Hán và tiếng Việt.
Bia được tạc từ năm 1937 bởi những người bạn đương thời của ông. Giữa khu đất rộng lớn, bia một mình trầm mặc. Theo thời gian, màu bia nhạt dần và cũng xuất hiện vài nét sứt mẻ. Cùng với quần thể công trình Công giáo ở Cái Mơn, Cái Nhum, bia Trương Vĩnh Ký cũng là điểm tham quan của khách du lịch khi đến Bến Tre.
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”, người đặt nền móng, bởi ông chính là người sáng lập, là Tổng Biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam - Gia Định Báo. Ông là học giả có nhiều canh tân trong một số chuyên ngành văn hóa, đồng thời ông đóng vai trò như một trong những nhà văn nổi bật, đưa văn học Việt Nam đổi mới.
Giáo sư Thanh Lãng từng nhận xét: “Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn”.
Sinh thời, ông Trương Vĩnh Ký được cho là thông thái từ nhỏ, sử dụng rành rọt 26 thứ tiếng, là tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng ngàn bài viết, nghiên cứu về văn hóa, xã hội. Tờ Gia định báo, trong suốt quá trình tồn tại, đã góp một phần không nhỏ vào việc cổ xúy, phát triển rộng rãi chữ Quốc ngữ.
Hiện nay, khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký nằm tại nhà số 520 Trần Hưng Đạo, quận 5, TPHCM. Mộ được xây dựng ngay tại sinh phần của dòng họ, nơi có hơn 64 ngôi mộ khác trong cùng khuôn viên có chiếc cổng tam quan sừng sững.
Hùng Luân