Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đến đây diện kiến con người

Hạnh Phúc

Công viên tượng Vigeland luôn là địa điểm thu hút du khách hàng đầu tại Oslo (Na Uy). Không phải vì trời xanh nước biếc, hoa lá khoe màu, không phải vì quy mô đồ sộ của quần thể tượng mà vì ở đó người ta như thấy thân phận của chính mình – một con người trần trụi trong guồng máy vận hành bất tận của nhân loại.

Một thuở bi hùng Viking

Nếu đặt chân đến Na Uy, bạn cũng như tôi thôi, trước tiên đều nghĩ đến thân phận bi hùng của thời kỳ Viking. Mà thật vậy, Viking trở nên là đặc sản du lịch của vùng đất Bắc Âu này. Trong hầu hết tài liệu hướng dẫn du lịch ở Oslo đều chỉ hướng đến Bảo tàng Viking.

Viking là một trong những tộc người sinh sống trên vùng đất Bắc Âu, nổi tiếng với nghề thủ công và đóng tàu để đi chinh phục biển cả. Theo các sử gia, họ là những người khỏe mạnh và giàu ý chí, từ Bắc Âu họ đã vượt biển để xâm chiếm các vùng đất ở Anh Quốc, Iceland rồi đi đến tận Địa Trung Hải buôn bán với các nước Bắc Phi, với Trung Đông… Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 rồi kéo dài mấy trăm năm, Viking từng là cái tên gây nên nỗi khiếp sợ và kính phục ở khắp châu Âu.

6_IMG_7733-copy

Bảo tàng ở Oslo trưng bày những chiến thuyền nổi tiếng của người Viking cùng nhiều vũ khí và vật dụng thủ công tinh xảo. Đi loanh quanh trong bảo tàng, càng cảm nhận được sự hùng mạnh và thời đại huy hoàng của dân Viking, một nỗi buồn man mác lại càng xâm chiếm tâm hồn bạn. “Ôi! thời oanh liệt nay còn đâu”. Thật sự sau bao thế kỷ làm mưa làm gió, người Viking đã bị những nền văn minh khác tấn công và bị lãng quên…

Ra đời, phát triển, vươn lên đỉnh cao rồi lụi tàn luôn là quy luật của đời người. Cái quy luật đó như càng được khẳng định khi bạn đến thăm tượng đài tưởng niệm những nạn nhân Chiến tranh thế giới thứ hai gợi nhớ Na Uy trong những ngày bị giày xéo dưới gót giày của phát xít Đức. Tượng đài được đặt ngay dưới chân lâu đài Akershus vốn được xây vào thời kỳ văn minh Thiên Chúa giáo, khi Na Uy tiếp tục là thương cảng phát triển nổi tiếng châu Âu.

5_IMG_7745-(2)-copy

Cảm giác bâng khuâng buồn sẽ cứ âm ỉ trong lòng khi bạn đi lang thang qua nhiều dãy phố cổ của Oslo một thời thịnh vượng, giữa cái không khí lạnh lẽo và khung trời màu xám của một ngày mùa đông.

Tất cả những suy nghĩ, cảm xúc đó như là hành trang theo bạn để đến công viên Vigeland – một trong những công trình nghệ thuật đồ sộ nhất về con người ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

1_IMG_7730-(2)-copy

Ở nơi ngẫm ngợi về đời người

Công viên Vigeland nằm giữa Oslo có tên chính thức là Forgner. Vào năm 1939 đã được Gustav Vigeland, điêu khắc gia tài năng của Na Uy, biến thành công viên tượng lớn nhất thế giới chỉ do một nghệ sĩ thực hiện. Công trình đến mãi 10 năm sau đó (năm 1949) mới hoàn thành khi Vigeland đã qua đời.

Bước vào cánh cổng với những cột đá và hoa văn bằng sắt kềnh càng, tôi chợt nhớ ai đó từng nói “đến Vigeland giống như vô một nhà máy sản xuất người máy”. Quả thật vậy, ngay bắt đầu từ cổng là con đường nhỏ chạy dài hơn 800 mét dẫn qua bốn khu vực quần thể tượng: chiếc cầu, đài phun nước, cột đá và vòng xoay cuộc đời. Tổng cộng có 200 tượng lớn nhỏ, chỉ tập trung thể hiện duy nhất một chủ đề: hình tượng con người trần trụi không một mảnh vải che thân. Con đường ấy cứ như một dây chuyền trong một nhà máy chạy qua nhiều công đoạn sản xuất.

4_IMG_7703-(2)-copy

Công đoạn đầu tiên là chiếc cầu đá, hai bên là 58 pho tượng đồng mô tả đủ kiểu người: đàn ông, đàn bà, thiếu nữ, trẻ em... Tượng có đủ thứ tư thế hòa quyện sinh động như chính mối quan hệ giữa người với người trong đời sống, với nhiều cảm xúc khác nhau: buồn vui, hờn giận, cười, khóc..., những cảm xúc mà con người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đều phải nếm trải. Chiếc cầu này là chiếc cầu đời người.

Công đoạn kế tiếp là đài phun nước. Đó là hồ nước với trung tâm là tượng đài chính gồm những cơ thể trần trụi nâng cao chiếc vạc đồng mà từ đó nước phun ra chảy tràn xuống hồ như suối nguồn sự sống cứ tuôn trào không ngưng. Xung quanh hồ là 20 cành cây xum xuê ôm lấy những đứa trẻ vô tư. Đài phun nước này là tượng đài của sự sống và cái chết bất tận.

3_IMG_7712-copy

Công đoạn tiếp theo là cột đá granite cao gần 15 mét, điểm cao nhất trong công viên. Đây là một cột đá nguyên khối được điêu khắc vô số những tượng người trần truồng chồng chất lên nhau. Nhìn cột đá, bạn không thể tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Một tài liệu từ bảo tàng Vigeland đã viết thế này về cột đá: “Những con người vươn lên trời không chỉ thể hiện sự buồn bã mà còn bị chế ngự bởi sự tuyệt vọng, tuy vậy vẫn thấy có ánh sáng và hy vọng cũng như sự đoàn kết, một cảm giác cứu rỗi kỳ lạ”. Cột đá này là khát vọng vươn lên của con người giữa cuộc sống hỗn độn.

So với ba công đoạn trước, công đoạn cuối cùng có quy mô nhỏ bé “vòng xoay cuộc sống”. Chỉ đơn giản là một vòng tròn bằng đồng được tạo nên bởi những hình nhân. Vòng xoay là lời khẳng định cuối cùng của Vigeland về ý tưởng xuyên suốt trong cả công trình nghệ thuật khổng lồ này: “cuộc sống là bất tận”.

2_IMG_7694-copy

Vigeland nhìn ở khía cạnh nào đó quả thật như một nhà máy. Có lẽ vì vậy đã có không ít ý kiến phê phán nhà điêu khắc tài ba này là mang tư tưởng “thuần chủng” của phát xít. Những hình nhân khắp công viên rõ ràng ít nhiều chịu ảnh hưởng một nền nghệ thuật thích dùng sự trần trụi để thể hiện sự thuần khiết chủng tộc và xem cuộc đời như một nhà máy vĩ đại để cùng phục vụ cho một ý chí.

Nhưng dù thế nào đi nữa, nhìn ở một góc khác, những hình nhân của Vigeland luôn mở ra cho người bước chân vào công viên một cơ hội xem lại cuốn phim về cuộc đời mình từ thuở ấu thơ đến lúc già cỗi, với cả những yêu thương, hờn giận lẫn khát vọng. Đó là những gì đáng nhớ nhất bạn có thể mang về từ Oslo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối