Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Đến lượt “ở nhờ trả phí” kiểu Uber

NHUNG NHUNG -

Khi chuẩn bị cho chuyến đi đến TPHCM cuối tháng 10 vừa qua, Niwit Fame Suwan, người Thái Lan, quyết định không tìm đến các trang đặt phòng khách sạn quen thuộc như Agoda.com hay Booking.com. Thay vào đó, anh chọn dịch vụ giới thiệu phòng trống cho thuê Airbnb. “Từng dùng Airbnb khi đi du lịch các nước, tôi phát hiện ra ở TPHCM cũng có các phòng kiểu này nên muốn thử xem sao”, Niwit nói.

Không chỉ có ở TPHCM, những người ưa chuộng hình thức “ở ké” của Airbnb như Niwit cũng có thể tìm được phòng ở các thành phố du lịch khác của Việt Nam, như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng…

Hiểu một cách nôm na, Airbnb là dịch vụ “ở nhờ trả phí”, có cách vận hành khá giống như Uber, nhưng dành cho nhà ở. Trang web này kết nối những chủ hộ có phòng trống và khách du lịch có nhu cầu lưu trú với nhau. Người dân địa phương có phòng trống có thể đăng ký cho thuê trên trang web này, sau đó phía Airbnb sẽ cử người đến chụp ảnh phòng ốc và khách du lịch dựa vào đó để đặt thuê phòng.

Ở Việt Nam, mức giá cho thuê phòng thông qua dịch vụ Airbnb khá đa dạng, có thể từ 200.000 đồng/ngày cho đến một triệu đồng hay nhiều hơn nữa, tùy theo điều kiện, chất lượng phòng ốc, dịch vụ liên quan.

7 Sân thượng của Mi Place trở thành nơi tập trung trò chuyện và thảo luận của khách lưu trú.

“Khách sạn” thân thiện

Dù chưa có kinh nghiệm vận hành khách sạn, nhưng với căn nhà còn nhiều phòng trống, ba bạn trẻ Mi, Tú và Đức quyết định sửa sang lại và giới thiệu trên Airbnb về phòng cho thuê với tên gọi Mi Place. “Tôi đăng ký thông tin của cá nhân và ngôi nhà lên trang web, rồi đăng tải hình ảnh các căn phòng, một số dịch vụ đi kèm, khu vực xung quanh ngôi nhà… lên phần mô tả và định giá phòng. Khách sẽ xem những thông tin này rồi liên hệ đặt phòng với chúng tôi”, Tú kể ngắn gọn về “thủ tục kinh doanh”. Cũng giống như đa số các phòng trên trang web này, mỗi phòng Mi Place bao gồm giường, tủ, nhà vệ sinh riêng, và ban công thoáng đãng.

Không đòi hỏi những dịch vụ phục vụ chuyên nghiệp như ở khách sạn và nhà nghỉ, khách thuê phòng qua Airbnb chủ yếu vì muốn tìm kiếm không gian thoải mái, gần gũi và thân thiện với giá cả hợp lý. Tú cho biết: “Khách thuê ở đây chúng tôi coi như bạn, họ tự do nấu nướng trong bếp nếu muốn, tự sử dụng máy giặt trên lầu, có thể trả phòng sau 12 giờ trưa mà không bị tính thêm phí. Ai đến đây cũng được chúng tôi giới thiệu các nơi ăn uống, vui chơi ở TPHCM, thậm chí còn tham gia đi phượt với tôi và bạn bè nữa”.

Theo chia sẻ của các chủ nhà Airbnb, để tạo sự khác biệt với các nhà nghỉ, khách sạn cùng mức giá, họ không chỉ đơn thuần đáp ứng về nhu cầu ở của khách du lịch. Chị Kim Yến, một trong những chủ nhà Airbnb có kinh nghiệm tại TPHCM, còn soạn cả một “cẩm nang” riêng gửi cho khách đặt phòng. Thông tin bao gồm hướng dẫn cách tìm nhà, số điện thoại liên hệ, mật mã Wi-Fi, hay các điểm nên ghé thăm ở thành phố, mức giá và phong cách của những nhà hàng địa phương… “Cứ sau mỗi lượt khách đến ở, tôi đều thu thập những câu hỏi thường gặp của họ rồi trả lời hết vào một file. Khi khách đặt phòng là tôi gửi luôn cho họ qua email”.

Cũng theo chị Yến, yếu tố tiên quyết khi lựa chọn hình thức kinh doanh này bao gồm phong cách thiết kế của căn phòng, địa điểm thuận lợi, và thái độ phục vụ của chủ nhà. “Khách luôn mong đợi là chủ nhà phải thân thiện, chu đáo, sẵn sàng trả lời câu hỏi nếu cần. Một ngày sau khi trả phòng, Airbnb sẽ gửi cho cả chủ nhà và khách thuê bảng đánh giá về nhau và đăng tải công khai trên trang web. Nếu đánh giá phòng tệ thì những lượt khách sau sẽ không chọn mình”, chị Yến nói về áp lực kinh doanh loại hình khách sạn thân thiện này.

Tiềm năng và thách thức

Với vốn đầu tư nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn lực sẵn có, dịch vụ cho khách du lịch “ở ké” này đang là cơ hội kiếm thêm thu nhập cho nhiều người. Vốn ưa thích kinh doanh khách sạn, chị Kim Yến sau một năm cho thuê căn nhà Airbnb đầu tiên ở đường Pasteur (quận 1, TPHCM) đã nhanh chóng mở thêm hai địa điểm khác ở quận 4 và quận 5. “Vốn bỏ ra không lớn, chỉ cần thuê người giúp việc theo giờ đến dọn phòng, có nhân viên bảo vệ giao-trả phòng cho khách nên cũng không mất nhiều thời gian quản lý. Đây cũng coi như là bước thử để tôi có thể mở rộng kinh doanh khách sạn trong tương lai”.

Để tiện trao đổi kinh nghiệm trong ngành dịch vụ mới này, các chủ nhà Airbnb tại Việt Nam đã thành lập trang Facebook nhóm với hơn 1.000 thành viên, trong đó đa phần là những người trẻ. Tại đây, mỗi người thể hiện và chia sẻ phong cách phục vụ riêng, từ việc thường xuyên tổ chức tiệc với các món ăn địa phương cho nhóm khách trong nhà, đến việc đi chơi xa cùng du khách. Riêng ba bạn trẻ Mi, Tú và Đức vốn là nhân viên văn phòng và doanh nhân khởi nghiệp, đã quyết định kết hợp công việc chính của mình với không gian cho thuê tại nhà, tạo thành một môi trường lưu lại lý tưởng cho giới “cổ cồn trắng”.

“Đối tượng khách chính của Mi Place là những người đến TPHCM vì công việc (business traveler) và học tập (student exchange). Trong nhóm có một người đang khởi nghiệp nên tại đây có sẵn bàn làm việc với đầy đủ máy chiếu, máy in và cả phòng họp . Nhóm chúng tôi còn giới thiệu cho khách quán cà phê lý tưởng để làm việc, thậm chí nếu có nhu cầu, chúng tôi cũng sẵn sàng giới thiệu họ với những người làm việc cùng ngành ở Việt Nam mà chúng tôi biết để giúp họ mở rộng quan hệ”, Tú cho hay.

Nếu như trên thế giới, Airbnb đang là thách thức lớn đối với ngành khách sạn truyền thống ở các nước thì ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận tương tự. Thời gian lưu trú quy định của các phòng Airbnb tối thiểu là ba ngày, khiến nó khó có thể là lựa chọn lý tưởng cho những người muốn ở ngắn hạn. Mặt khác, tuy chưa gặp nhiều rắc rối như Uber khi kinh doanh ở Việt Nam, nhưng trong tương lai, Airbnb và những người cung cấp phòng cho trang web này cũng sẽ phải tính đến việc ổn định vấn đề pháp lý khi hoạt động tại đây. Niwit, vị khách du lịch Thái Lan, bày tỏ: “Dù ưa thích dịch vụ này vì giá rẻ và tiện lợi, nhưng tôi vẫn hơi lo ngại về vấn đề pháp lý khi lưu trú. Tôi nghĩ nếu vướng mắc này được giải quyết thì chúng tôi, khách du lịch, sẽ cảm thấy thoải mái hơn”.

Trong khi chờ đợi, ba gia chủ trẻ của Mi Place cho biết, họ dự định sẽ tạm thời đăng ký làm nhà nghỉ kiêm công ty dịch vụ trong thời gian tới để dễ hoạt động và điều hành hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối