Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Đến Thái Lan, tìm sự yên bình ở ngôi đền Sự thật

(SGTTO) - Pattaya của Thái Lan không quá xa lạ với nhiều du khách đến từ Việt Nam, nhưng nơi đây không chỉ nổi tiếng với phố đi bộ, bãi biển, đảo san hô và những món ăn đặc sản... 

Quanh những điều “ồn ào phố chợ” thì Pattaya còn có một nơi mà du khách hay tìm đến sự yên bình, để thả mình vào những khoảnh khắc nội tâm – ngôi đền Sự thật (Sanctuary of Truth).

Ngôi đền nhìn từ xa, vẫn còn một vài hạng mục đang xây dựng. Ảnh: Wikipedia

Theo thông tin thể hiện tại đây, ngôi đền được hoàn toàn làm bằng gỗ bởi 250 nghệ nhân điêu khắc. Điểm cao nhất của tòa nhà cao khoảng 105 mét. Khởi công xây dựng từ năm 1981 với ý tưởng và sự tài trợ chính của tỷ phú Thái Lan - ông Lek Viriyaphan, cho đến năm 2008, ngôi đền mới xây xong phần lớn và hiện nay vẫn chưa hoàn thiện.

Ở đây, điều khiến chúng tôi bất ngờ là không có nhiều khách du lịch như mình nghĩ, nhìn quanh chỉ toàn khách phương Tây. Hỏi ra mới biết, hầu như họ tự tìm đến với ngôi đền chứ không có tour nào tổ chức.

Để bước vào khu vực mang lại cảm giác thoải mái vì không phải chen chúc như các địa điểm du lịch khác, du khách sẽ mua vé với giá 500 baht Thái Lan. Tiền vé, quy ra cũng hơn 350.000 đồng, một con số không thể gọi là nhỏ. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, khi hồi tưởng lại thì người viết hoàn toàn cảm thấy quyết định hôm ấy là chính xác. Thứ mà du khách nhận lại là sự thỏa mãn về mặt tâm linh, mãn nhãn về cảnh đẹp và sự tôn kính, thầm phục các nghệ nhân đã tạo nên một tuyệt tác.

Một trong những lối vào của ngôi đền. Ảnh: Wikipedia

Ngôi đền Sự thật có hai lối vào chính phía trước và phía sau, mặt hướng ra biển. Ngôi đền có bốn mặt được điêu khắc khác nhau đại diện cho bốn nền văn hóa lớn ảnh hưởng đến đất nước và con người Thái Lan: Thái, Campuchia, Ấn Độ và Trung Quốc.

Nếu như ở mặt bên này kiến trúc Trung Quốc đậm nét thì mặt khác lại là sự hoành tráng mang dáng dấp một Angkor của Campuchia, hay những vị thần huyền thoại đầy quyền lực của Ấn Độ (Brahma, Shiva và Vishnu).

Một trong những cụm tác phẩm điêu khác bên trong ngôi đền. Ảnh: Hana Dương

Phía bên trong, ngôi đền cũng chia ra làm bốn mặt. Mặt phía Đông là những tác phẩm điêu khắc nói về lòng biết ơn. Tác phẩm điêu khắc chính ở đây có tên là Cha và Mẹ.

Mặt phía Tây tượng trưng cho bầu Trời và Trái đất. Bầu trời tượng trưng cho gió và lửa, và Trái đất tượng trưng cho nước và đất.

Mặt phía Bắc đại diện cho sự phát triển tâm linh và xã hội. Nó mô tả tín ngưỡng của Đạo giáo và Nho giáo. Cuối cùng, mặt phía Nam tiêu biểu cho mặt trời, mặt trăng và các hành tinh. Theo những người hướng dẫn, những hành tinh đó đã ảnh hưởng đến môi trường và lối sống của con người trên trái đất.

Mặt trời, mặt trăng và các hành tinh theo tín ngưỡng cổ xưa có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người: mặt trời chỉ trạng thái, mặt trăng chỉ sự nhạy cảm, sao Hỏa nói về sự thông minh, sao Thủy đại diện cho sự dịu dàng, sao Mộc là trí tuệ, sao Kim là phồn vinh và sao Thổ là sự đau khổ.

Ở đây, du khách vừa có thể thả hồn theo tiếng gió vi vu hòa cùng tiếng đục, đẽo gỗ phát ra liên tục từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Và với người viết bài này, nơi đây mang lại một sự bình yên đến lạ thường. Nó tạo ra cảm giác như bao nhiêu sự nặng trĩu, bức bối trong tâm tưởng khi đối diện với “ Sự thật” đã được gột rửa một cách diệu kỳ để rồi từ đó, bước chân ra về với một tâm thế lạc quan.

Hana Dương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối