Khi cả thế giới đang phải tìm cách giải quyết tình trạng nóng lên trên toàn cầu, hydro đã trở thành một nguồn năng lượng sạch thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch hiện gây nhiều ô nhiễm.
Hydro khi được nén lại, có thể dễ dàng lưu trữ trong thời gian dài và vận chuyển trên một khoảng cách xa. Các tế bào nhiên liệu hydro tạo ra điện năng thông qua phản ứng hóa học với oxy trong không khí, với nước và nhiệt là sản phẩm phụ duy nhất.
Vào tháng 9/2018, đoàn tàu chở khách đầu tiên trên thế giới chạy bằng pin nhiên liệu hydro đã bắt đầu hoạt động ở Đức. Đó là con tàu không có khí thải Coradia iLint do công ty đường sắt Alstom của Pháp sản xuất. Bernd Althusmann, Bộ trưởng kinh tế và vận tải bang Hạ Saxony của Đức hy vọng công nghệ truyền động không khí thải của Coradia iLint sẽ là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường so với các đoàn tàu diesel thông thường. Theo công ty Alstom, tàu tạo ra rất ít tiếng ồn và không có mùi khí thải hoặc dầu diesel, chỉ thải ra nước và hơi nước.
Một số xe hơi và xe buýt chạy bằng hydro, không thải khí carbon dioxide, đã xuất hiện trên đường phố Nhật Bản. Chính phủ Nhật sẽ sử dụng hydro làm nhiên liệu cho ngọn đuốc Olympic và nguồn năng lượng cho làng vận động viên tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020 tại Tokyo.
Tại Nhật Bản, chính phủ đã áp dụng chiến lược thúc đẩy sử dụng năng lượng từ hydro vào năm 2017. Trong chiến lược này, Nhật Bản kêu gọi hợp tác toàn cầu để giảm chi phí và đảm bảo nguồn cung ổn định. Theo chính sách này, một loạt các thử nghiệm về pin nhiên liệu hydro và trạm nhiên liệu hydro đã được tiến hành trên phạm vi toàn quốc trong nỗ lực sử dụng công nghệ này hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực năng lượng, hydro có một tương lai đầy hứa hẹn với vai trò là nguồn năng lượng sạch, không thải ra khí nhà kính. Nhưng những thách thức vẫn còn đối với chuyện sử dụng năng lượng hydro, chủ yếu là chi phí sản xuất cao, khó khăn trong việc phân phối và lưu trữ do nhu cầu sử dụng hiện nay còn thấp. Các chuyên gia cho rằng công nghệ sản xuất hydro cần được quan tâm đầu tư hiện đại hơn và cơ sở hạ tầng cần phát triển đồng bộ để tạo thuận lợi cho hydro được sử dụng rộng rãi trong tương lai.
Tâm Anh