Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Đeo vòng cổ cho vật nuôi đã tiêm vắc xin ngừa bệnh dại

Văn Thy Hoàng -

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 60.000-70.000 người chết do bệnh dại, cứ trung bình 10-15 phút lại có một người chết vì bệnh dại. Còn ở nước ta tình trạng người bị chó cắn, mèo quào cũng có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, tình trạng chó dại cắn hàng loạt người cùng một lúc đã xảy ra ở nhiều nơi, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 07/2016 ngày 31-5-2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Theo đó ở Điều 2, phụ lục 15 – ban hành kèm theo Thông tư 07/2016 hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật như sau: Chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp phường, xã tại các đô thị, nơi có đông dân cư; UBND phường, xã phải lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin: họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng chó, mèo nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại.

Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý chó, mèo theo nội dung thông tư trên gần như không diễn ra trong thực tế.

Hầu như người dân không ai màng đến việc ra UBND phường, xã để đăng ký nuôi chó, mèo dù được nhắc nhở, còn cơ quan quản lý địa phương cũng chưa có biện pháp chế tài nào trong việc bắt buộc những hộ gia đình có nuôi chó, mèo đăng ký theo quy định của pháp luật. Chính điều này dẫn đến việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi cũng không được thường xuyên.

Tâm lý “chó, mèo nhà mình cắn, quào chắc không sao” vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Thêm vào đó, cách giúp nhận diện một con chó, mèo nào đó đã được tiêm phòng cũng không được chú trọng. Một số nơi khi tiêm phòng vắc xin ngừa dại cho chó mèo xong thường phát một tờ giấy xác nhận hoặc phát một chiếc thẻ bài bằng inox đeo lên cổ chó để xác nhận là đã tiêm phòng. Những dây đeo thẻ bài này sau một thời gian sẽ bị đứt, tuột ra hoặc bị chủ nhân vứt đi, vậy nên khi nhìn vào các con vật nuôi này không ai biết được chúng đã được tiêm phòng bệnh dại hay chưa.

Người cẩn thận không may bị chó cắn thì đi chích ngừa bệnh dại, còn gặp người có ý chủ quan thì cho qua cho đến khi phát bệnh.

Để quản lý tốt việc tiêm phòng dại, nên chăng cơ quan thú y cần triển khai việc sử dụng vòng đeo cổ bằng nhựa loại có màu sắc nổi bật, không thể tháo gỡ, nếu gỡ ra thì đeo lại không được. Mỗi năm khi đến kỳ tiêm phòng dại sẽ cắt bỏ vòng dây đeo cũ để đeo vòng dây mới với màu sắc khác theo quy định màu từng năm. Điều này khiến mọi người dễ dàng nhận biết được chó, mèo nào đã được tiêm phòng và có thực hiện tiêm phòng lại đúng định kỳ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có biện pháp tăng cường quản lý việc nuôi và tiêm phòng chó mèo, xử lý nghiêm người dân không thực hiện đúng quy định, tổ chức các đợt truy quét bắt hết những chó thả chạy rông ngoài đường mà không có tiêm phòng dại. Có như vậy mới góp phần hạn chế bệnh dại do chó, mèo gây ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối