Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Dép đứt quai

Mạnh Hoài Nam -  

Tôi thường mang đôi dép cá sấu. Sở dĩ có tên gọi vậy vì trên quai dép có hình con cá sấu. Ngày nhỏ dép cá sấu “ôm” bàn chân tôi đến trường.\

Dép cá sấu là loại dép nhựa có màu trắng đục, rẻ tiền lại chắc bền. Dù vậy mang riết nên dép đến ngày bị “xi cà que” đứt dần. Ban đầu quai dép đứt hả miệng nhỏ gần chỗ mũi dép phía ngón chân cái, sau đó hả miệng to rồi đứt tiện luôn một bên quai trước, chỉ còn dính quai sau, má tôi đem xuống chợ cho thợ hàn lại. Quê tôi lúc đó năm ngày mới đến phiên chợ, những năm học tiểu học, dép đứt quai trúng ngày “lỡ chợ” nên đi học tôi phải “kéo lết” dép sứt quai vài bữa. Bạn tôi có lắm đứa cũng vậy.

Rồi những năm học cấp 3, lúc đó tôi nhổ giò, những tháng hè tôi phụ má ra gò chặt mía, lên rừng đốn mò o (một loại cây gống như cây lồ ô của họ nhà tre trúc nhưng nhỏ hơn) về đan ky giỏ, rổ rá. Đi chặt mía thì đạp lên gốc mía nhọn như chông, còn lên rừng đốn mò o thì băng qua đám gai rừng nhọn hoắt, đâm lủng đế xuyên qua bàn chân, tôi ngồi “rà” lại đế dép cạy gai rừng. Chiếc dép sau đó mòn sát gót, hả miệng, đứt quai.

Đến phiên chợ, tôi phụ má gánh ky giỏ, rổ rá xuống chợ bán, sẵn mang đôi đép đứt quai má dắt đến chỗ ông thợ hàn dép đưa cho ông hàn lại. Ông thợ hàn sắm lò than, lấy cái dùi bằng sắt tra cáng đập dẹp đầu hơ nóng làm mũi hàn. Thợ hàn dép rất tỉ mẩn, không chỉ hàn dính mối mà còn cắt miếng nhựa nhỏ “bạ” thêm lớp ngoài cho chắc. Mấy lần xuống chợ, tôi đến chỗ ông thợ nhìn để ý học lóm nghề. Sau đó dép đứt quai trúng ngày chưa đến phiên chợ tự tay tôi hàn, hơ nóng mũi dao cùn “độ” thành mũi hàn.  Để hàn chắc như ông thợ dưới chợ tôi hơ mũi dao nóng lạng dưới đế dép một miếng nhựa nhỏ hàn ép chắp vá vào chỗ đứt. Thợ chuyên nghiệp ở chợ hàn dép bền đẹp, còn hàn tay ngang như tôi chỗ ấy u nần. Có lần tôi ngồi trong bếp hàn dép thì chú Bốn hàng xóm qua nhà chơi. Ông mang đôi dép cá sấu “thảm” hơn. Dép đứt quai gần nửa tháng nhưng vợ chú bệnh không đi chợ, không thể mang ráng thêm được, chú lấy dây thép luồng qua quai dép xuống đế buộc lại. Thấy tôi ngồi hàn dép, sẵn đó chú nhờ tôi hàn dùm.

Hôm đi chặt mía thuê, chiều về chú Bốn ngồi lai rai trước hàng ba vài xị rượu với mấy người trong xóm. Sẩm tối, lúc đó ngà ngà mọi người ra về bước chân xuống bậc thềm dép cá sấu nằm ngổn ngang, mạnh ai nấy xỏ chân vô mang đi. Sáng ra, chú mang dép đi làm, dép mang lâu ngày nếu không phải của mình nên chân xỏ vào cộm ngón chân, nhìn xuống thấy “chiếc đực chiếc cái” (chiếc to chiếc nhỏ), chú mang qua nhà hàng xóm tìm đổi lại. Nhờ chỗ hàn u nần của tôi làm dấu, chú mới nhận ra chiếc dép mình “thất lạc” qua chân hàng xóm.

Tốt nghiệp đại học tôi công tác xa quê, lâu quá tôi không mang dép cá sấu nữa nên không nhớ gì đến nghề hàn dép. Hôm rồi tôi đi công tác về vùng sâu vùng xa, thấy người phụ nữ ngồi trước thềm nhà hàn chiếc dép cá sấu đứt quai. Tôi hỏi thăm, chị bảo, chồng đi chặt mía thuê từ sáng đến chiều mới về, thấy dép đứt chị hàn lại cho chồng mang êm chân. Trước đây chị làm nghề hàn dép ở chợ, ngày đó chị theo ba chị đi hàn dạo ở các phiên chợ. Lúc đầu phụ ba bỏ lửa lò, sau đó có phiên chợ đắt hàng, chị ra tay hàn dép.

Chị ngồi kể lại nghề mưu sinh hàn dép. Hàn chiếc dép đứt quai giá trị như bây giờ khoảng năm ngàn đồng, chị cùng ba rong ruổi đi hàn ở các chợ quê. Có hôm về gặp mưa, tối ba bị cảm lạnh rên hừ hừ, sáng ra cũng ráng đến chợ. Mấy năm sau ba mất, chị giải nghệ cái nghề hàn dép nhựa.

Nghe chị kể, tôi chợt nhớ lại dép đứt quai “nâng niu” bàn chân tôi một thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối