PHÙ SA LỘC -
Ở Ba Hòn Đầm, có một điều khá thú vị là du khách có thể lội bộ... trên biển. Đó là chuyện có thật, vì mực nước biển giữa ba đầm này chỉ cao ngang thắt lưng người lớn khi thủy triều xuống.
Từ xa chỉ nhìn thấy Đầm Dương (bên trái) và Đầm Đước, Đầm Giếng nằm khuất sau Đầm Dương.
Giữa khung cảnh hoang sơ mênh mông trời nước của Ba Hòn Đầm, du khách có cảm giác như ở giữa biển khơi. Càng có cảm giác “rợn tóc gáy” khi xăn ống quần lội bộ từ hòn này sang hòn khác trên đầm trong làn nước biển chỉ ngang đầu gối khi thủy triều xuống thấp nhất. Bàn chân đạp trên những viên sỏi lớn nhỏ khác nhau lẫn trong nền cát biển, những đám thủy sinh đung đưa như vẫy chào, kích thích du khách bước tới.
Ba Hòn Đầm thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, Kiên Giang, gồm Đầm Đước, Đầm Dương và Đầm Giếng. Ba đầm này nằm theo hình tam giác. Ba Hòn Đầm là nơi xa bờ nhất trong số khoảng 45 hòn thuộc quần đảo Bà Lụa.
Người ta gọi Đầm Đước vì phía sau hòn có cây mắm, nhiều nhất là cây đước. Đầm Đước rộng 12 ha, là nơi được “du lịch hóa” tương đối bài bản. Đầm có vài chòi tre được cất dài theo bờ biển nơi đầy những sỏi. Trong các chòi giăng nhiều võng để du khách thảnh thơi nằm đón gió biển thổi tứ bề, ngắm mây xanh biêng biếc. Mùa khô, với những cây bàng lưa thưa lá, mấy cây phượng đơm bông đỏ thắm như càng nung thêm cái nắng oi ả, tạo cảnh quan đẹp hoang sơ.
Anh Tài, chủ Đầm Đước, cho biết khách đến đây thoải mái xăn ống quần tìm bắt hải sản trong đầm nhỏ sau trại chính. Những cua, ghẹ, mực, hàu, ốc… bắt được sẽ đem luộc hoặc nướng, thưởng thức tại chỗ. Nếu không thì chủ đầm sẽ phục vụ những con cá tươi sống, theo yêu cầu của khách. Bên cạnh những món ăn hải sản (cá bớp, cá mú, ghẹ, nhum, ốc vú nàng, ốc mắt ngọc…) là ê hề những rau tươi xanh được chuyên chở từ đất liền ra.
Sau bữa ăn no nê, khách nằm võng đu đưa nghe gió từ đại dương thổi vào, rì rào ru ngủ qua những tán bàng, cành lá phượng vĩ… Đêm xuống, nhóm bạn tổ chức đốt lửa trại, vui chơi, ca hát… Trong không khí tĩnh mịch của màn đêm, cùng nhau luộc nghêu, nướng ốc, cá mú đá, cá kho tộ…, nhâm nhi những ly rượu ấm nồng. Ngủ một đêm giữa không gian gần như “thoát tục”, thức dậy, khách mê mắt ngắm mặt trời đỏ rực từ từ trồi lên phía mặt biển xa. Sau đó, khách dùng điểm tâm cháo hàu hoặc cháo nghêu.
Từ Đầm Đước sang Đầm Dương dài khoảng 300 m, lội băng qua mất chừng vài chục phút. Nếu có cảm giác sợ hãi khi lội biển lần đầu, chủ đầm khuyến khích bạn bằng cách hướng dẫn: cứ đi theo những vệt trăng trắng dưới làn nước biển là an toàn. Đến Đầm Dương là bạn đặt chân lên một miền cây cối xanh tươi với hàng trăm cây sa pô, nhãn, xoài, mít, dừa... Cảm giác như ở miệt vườn. Nhờ vậy mà không khí nơi này mát mẻ. Chủ đầm là người yêu thiên nhiên nên trên nền đất sạch bóng lá rụng, nói gì tới rác thải.
Đầm Dương rộng 60.000 m2. Gọi Đầm Dương vì xưa nay nó chỉ trơ trọi có một cây dương do chủ đầm trồng “lấy ý”. Đầm Dương đầy cát, một mé hòn là bãi cát rộng, thơ mộng. Đến Đầm Dương là đến nơi yên tĩnh. Đầm có hai chòi lớn, mỗi chòi chứa 50 người. Giá 40.000 đồng/ngày đêm. Bao tắm nước ngọt. Chủ nhân là người rất vui tính, nấu nướng ngon, với các hải sản tươi sống như cá, ghẹ, mực…
[box] Đường đến Ba Hòn Đầm
Tại bến tàu Ba Hòn (huyện Kiên Lương, Kiên Giang), mỗi ngày có hai chuyến tàu ra Hòn Heo (cách bờ khoảng 10 km). Với tàu gỗ, chuyến đi lúc 6 giờ và 11 giờ; chuyến về lúc 15 giờ và 17 giờ; giá 35.000 đồng/chuyến (thời gian chạy khoảng một giờ rưỡi). Với tàu cao tốc, chuyến đi lúc 10 giờ 30 và 17 giờ; chuyến về lúc 6 giờ 15 và 15 giờ. Thời gian chạy khoảng 40 phút.
Đến Hòn Heo, điện thoại cho anh Tài (ĐT 0978003000), thuê bao nguyên tàu 10 người đến Ba Hòn Đầm với giá 2.500.000 đồng/khứ hồi. Hòn Đước có 3-4 căn nhà lá cho thuê với giá 300.000 đồng/đêm, có thể ở 5 người. Tắm nước ngọt: 10.000 đồng/người, nước nóng: 10.000 đồng/ấm.
Ở Đầm Dương, liên hệ chủ đầm là bà Tăng Thị Tuyết Mai (ĐT: 01655911129).[/box]
Trong khung cảnh yên tịnh, bạn sẽ nghe ông Đài, chủ Đầm Dương, kể câu chuyện “cổ tích” khá ly kỳ về chúa đảo Đầm Dương, là một hải tặc, cướp biển Cánh Buồm Đen (thường được nhà văn Sơn Nam đề cập trong tác phẩm của ông). Băng cướp Cánh Buồm Đen (có lẽ vì tàu sử dụng cánh buồm màu đen) hoạt động trên vùng biển này những năm đầu thế kỷ 20, chủ yếu đánh cướp những tàu buôn nước ngoài giàu có, chia của cải cho người nghèo.
Ông Đài kể, một trong các tướng cướp biển Cánh Buồm Đen là ông Tăng Phú Lộc, người đảo Hải Nam (Trung Hoa). Khi theo tàu cướp phá vùng vịnh Hà Tiên này, thấy phong cảnh đẹp, ông Lộc bèn lên bờ khai phá một vùng đất rộng lớn, chiếm giữ khoảng 16 hòn, trong đó có Đầm Dương. Tướng cướp Lộc qua đời, truyền giao 16 người con mỗi người một hòn đảo. Đầm Heo cho con trai Tăng Phú Láng. Sau này, bà vợ ông Đài kế nghiệp cha, ông Láng, quản lý Đầm Dương. Hiện giờ ngôi mộ tướng cướp Cánh Buồm Đen là ông Tăng Phú Lộc còn trên Đầm Giếng. Từ Đầm Dương qua Đầm Giếng là đầm nước dài trên trăm thước, cũng rờn rợn, ghê ghê chân dù nước triều lên cao ngang gối. Nhưng khi thủy triều kiệt là một bãi cát khô rang. Đầm Giếng có một giếng nước, phong cảnh hoang sơ, cũng là một điểm du lịch trong Ba Hòn Đầm.
Đến Ba Hòn Đầm nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi, đặc biệt vào dịp cuối tuần, là kỷ niệm lý thú. Bởi, đến đây bạn sẽ thả hồn vào mây trời sắc nước, chiều hay sáng ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn trên biển, đẹp mê hồn. Lại dầm chân trong biển tìm bắt hải sản, chế biến món ăn, rồi cùng bạn bè ngồi nhâm nhi vài ly rượu, thú vị vô cùng. Phong cảnh hữu tình, thức ăn ngon, và cảm giác mạo hiểm khi lội qua đầm biển sẽ lưu lại tâm khảm lâu dài.