Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Đi chợ hộ không phải nơi nào cũng làm được

(SGTT) – Hiện nay, nhiều quận, huyện tại TPHCM đã và đang triển khai tốt hình thức đi chợ hộ giúp người dân duy trì cuộc sống ổn định. Tuy nhiên hình thức đi chợ hộ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân và nhiều tổ dân phố, khu dân cư, người dân vẫn phải trông chờ vào thực phẩm dự trữ từ trước đó.

Mỗi nhà được "đi chợ hộ" 1 lần/tuần qua nhiều cách thức

Từ 0:00 ngày 23-8, TPHCM bắt đầu thực hiện tăng cường giãn cách xã hội nghiêm ngặt "ai ở đâu ở yên đấy", người dân không đi chợ trực tiếp mà sẽ có tổ hỗ trợ đi chợ hộ.

Theo đó, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tại TPHCM do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc VN, Tổ dân phố…, các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối đến người dân.

Chị Nguyễn Kiều Giang ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức, cho biết UBND phường đã phổ biến đến người dân các gói mua hàng để lựa chọn, sau đó tình nguyện viên tại khu vực sẽ liên hệ với cửa hàng rau và siêu thị trong phường để mua hàng giúp cho người dân.

"Danh sách mình nhận được gồm các gói combo như các loại rau quả, gia vị, thịt cá... Sau khi chọn xong, mình sẽ viết ra các gói hàng cần mua và gửi cho phường theo khung giờ cố định từ 8:00- 11:00 hàng ngày", chị Giang nói.

Phiếu đăng ký mua lượng thực thực phẩm của chị Trân. Ảnh: NVCC

Còn tại phường 10, quận Phú Nhuận, UBND phường này đưa ra 5 đến 8 combo mua hàng bao gồm cá, thịt, rau, gia vị, bánh nước, sữa… trọng lượng mỗi món từ 0,5-2 kg tuỳ món. Giá mỗi combo dao động 200.000-300.000 đồng.

Chị Đặng Lê Ngọc Trân cho biết hàng hoá tại các phiếu đi chợ hộ của phường mà chị nhận được có niêm yết giá rõ ràng. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ được đăng ký tối đa 3 combo hàng và các mặt hàng cũng chưa phong phú.

"Để chủ động hơn về lượng thực, thực phẩm trong mùa dịch, gia đình mình cũng đã dự trữ sẵn một số các loại thực phẩm cần thiết trước đó và cải tạo lại sân thượng để trồng rau", chị Trân nói.

Hệ thống đăng ký đi chợ hộ trực tuyến tại phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Ảnh: NVCC

Tại phường Cô Giang, quận 1, TPHCM, hình thức đi chợ hộ được triển khai qua hệ thống mẫu đăng ký điện tử, đồng thời kết hợp với việc thanh toán trực tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm.

“Sau khi mình chọn mua các gói thực phẩm trên mẫu đăng ký trục tuyến, chọn thanh toán bằng ví điện tử, phía bên giao hàng sẽ gửi thực phẩm đến tận nhà cho người mua, mình cảm thấy khá thuận tiện”, chị Ngọc cho biết.

Các chiến sĩ quân đội hỗ trợ lương thực cho người dân tại quận 1, TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng

Bà Phạm Thị The, phó Bí thư Đảng ủy phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM, cho biết hiện nay phường đang thực hiện hình thức đi chợ hộ cho người dân trên địa bàn bằng phương thức phối hợp cùng các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm để đảm bảo nguồn cung một cách đầy đủ nhất.

“Cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên tại phường sẽ tổ chức phân phát phiếu đăng ký mua hàng đến từng hộ dân, sau đó tổng hợp lại và giao các đơn hàng đến tay người dân trong ngày hôm sau. Ngoài ra, phường cũng nhận được nguồn cung thực phẩm như rau củ quả từ các mạnh thường quân và tổ chức phân phối tăng cường thực phẩm miễn phí cho các hộ dân trên địa bàn”, bà The cho biết thêm.

Tương tự, tại TPHCM nhiều quận, huyện cũng chọn hình thức phối hợp với các siêu thị đưa ra các combo lương thực, thực phẩm để người dân lựa chọn đăng ký. Tuy nhiên, trong khi nhiều quận, huyện đã triển khai tích cực hình thức đi chợ hộ thì vẫn còn một số nơi còn nhập nhằng.

Nhiều người vẫn chờ thông báo đi chợ hộ

Hiện nay, người dân tại một số nơi như phường 6, quận Tân Bình; phường Tân Hưng, quận 7; phường 5, quận Gò Vấp; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết đến nay vẫn chưa nhận được mẫu đăng ký mua thực phẩm từ địa phương.

Anh Nguyễn Nam ở phường 5, quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết khu vực anh sinh sống việc đi chợ hộ sẽ do Hội Phụ nữ của phường đảm nhận. Tuy nhiên, khi triển khai người dân chỉ nhận được hướng dẫn mua sắm qua ứng dụng của cửa hàng Bách hóa xanh tại khu vực.

“Khi mình liên hệ để mua hàng từ Bách hóa xanh thì phía cửa hàng lại thông báo không nhận đơn hàng cho hộ cá nhân, việc triển khai hình thức đi chợ hộ như vậy gây khó khăn và hoang mang. Hiện tại, người dân chỉ còn sống nhờ lượng thực phẩm mua được từ những ngày trước đó”, anh Nam chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Dao Huỳnh Lynh ở phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết hiện nay, khu trọ với hơn 10 phòng nơi chị sống vẫn chưa nhận được phiếu mua hàng hay hướng dẫn mua thực phẩm từ địa phương.

Thực phẩm của chị Lynh được gửi từ quê lên. Ảnh: NVCC

“Hiện tại, mình đang sử dụng thực phẩm được người nhà gửi vào TPHCM, nếu tình trạng này kéo dài mình cũng không biết làm sao để đủ thực phẩm để sinh hoạt. Bên cạnh đó, Gò Vấp là quận mà lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ tạm ngưng hoạt động nên mình không thể mua thực phẩm trực tuyến được”, chị Lynh nói.

Còn tại địa bàn tổ 2, khu phố 1, phường 6, quận Tân Bình, TPHCM, sau khi liên hệ với số điện thoại của UBND phường không được thì đến sáng ngày 25-8, người dân mới nhận được phiếu đi chợ hộ. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, giá tiền các mặt hàng thực phẩm có giá khá cao so với thu nhập của họ, khi đa phần người dân sinh sống tại khu vực này là lao động có thu nhập thấp và là lao động thời vụ.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối