Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Đi chơi đảo xa vùng biển Tây

Chế Cẩm Đình -  

Thứ Bảy cuối tuần, tôi về Kiên Giang, một mình xuống tàu từ thành phố Rạch Giá để đi ra Nam Du, quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải thuộc tỉnh này. Chuyến đi vừa là rong chơi, vừa cũng để biết thêm cuộc sống của cư dân trên những hòn đảo ngoài khơi xa vùng biển Tây đất nước.

Bước xuống tàu, ngó ra chung quanh thấy chỉ có bờ chứ không có bãi, nước biển gần bờ ngầu đục một màu phù sa đổ ra từ cửa sông Kiên, mặt nước gợn sóng nhẹ, không cuộn trào ồ ạt như biển ngoài miền Trung.

20160618_153803Vẻ đẹp hoang sơ của vùng biển Nam Du, Kiên Giang.

Từ Rạch Giá ra Nam Du khoảng 48 hải lý, tức gần cả trăm cây số. Khách đi bằng tàu cao tốc của hãng tàu du lịch Superdong mất khoảng hai giờ ba mươi phút. Trên đường đi tàu có ghé qua hòn Sơn, hòn Ngang để đón khách theo hải trình trước khi cập bến cuối cùng là hòn Củ Tron.

Ngày xưa chưa có la bàn đi biển, ban ngày người ta phải men theo hướng mặt trời, căn lối gió và nhìn mặt sóng để xác định hướng, đêm thì lấy sao trên trời làm phương mà đi, nếu gặp sương mù thì phải neo lại, dây neo đánh bằng rơm hoặc xơ dừa. Chặng đường này nếu đi thuyền buồm với chèo tay, gặp lúc thuận gió thì cũng phải mất khoảng ba đêm hai ngày mới tới nơi.

Mười hai giờ rưỡi, con tàu chở đầy khách nổ máy gầm gừ tiến ra biển khơi với tốc độ 29 hải lý/giờ. Đứng trên boong tàu lộng gió và nắng, thưởng thức sự yên bình của đất nước hôm nay mà chợt hình dung về những cuộc rượt đuổi truy sát lẫn nhau giữa thủy quân Tây Sơn với binh thuyền Nguyễn Ánh cũng trên vùng biển Kiên Giang này hồi cuối thế kỷ 18. Hay xa hơn nữa là những đoàn thuyền cựu binh nhà Minh bên Trung Quốc kháng Thanh trải muôn trùng sóng nước từ Triều Châu hay Quảng Đông đến cập bến Hà Tiên của Việt Nam để định cư, hoặc nghỉ ngơi rồi đi xuống Malaysia sinh sống.

20160618_153900

Tàu đến nơi lúc gần 3 giờ chiều. Cùng với du khách đi chung tour, tôi được chuyển sang một tàu khác, vốn là tàu đánh cá được cải tạo lại thành tàu du lịch. Tàu chở du khách đi các hòn đảo ở xã An Sơn để tắm biển và lặn ngắm san hô chừng hai giờ đồng hồ, sau đó về lại hòn Củ Tron và được bố trí vào nghỉ trong nhà của người dân địa phương theo kiểu "homestay".

Được ăn hải sản ngay trên đảo thật tuyệt, toàn là đồ tươi được chế biến khi vừa mới đánh bắt lên, giá lại rất rẻ. Nào mực, nào cá xương xanh, ốc, hàu đủ loại, và cả nhum, tôm mũ ni... Sau bữa ăn, khách đi dạo khu chợ dọc theo con đường bê tông rộng chưa tới 2 m dài chừng 1,5 km, hai bên nhà ở ken kín với một cuộc sống thảnh thơi và trông tương đối khá giả, có lẽ nhờ nguồn lợi từ biển đem lại.

20160618_202129Hải sản tươi sống là một trong những điểm hấp dẫn nơi các khu chợ trên các hòn đảo ở vùng biển Kiên Giang.

Về đến nhà nghỉ, tôi nằm võng trò chuyện cùng bà chủ nhà. Bà quê tận ngoài Bình Định, tổ tiên mấy đời trước đi ghe thuyền vào định cư trên những hòn đảo này. Hàng ngày, vợ chồng bà dậy sớm từ hai giờ rưỡi sáng, xuống ghe đi làm lưới ngoài khơi xa khoảng nửa giờ chạy ghe, cũng kiếm được non triệu bạc tùy ngày tùy thời tiết. Bà nói ở đây chẳng ai khó khăn gì nhưng nhà nhà vẫn làm nhà nghỉ để có khách đến ở cho vui, được nghe những câu chuyện khắp mọi miền đất nước mà du khách mang theo kể cho bà con ngoài này. Bà chủ nhà có hai con gái, cô chị lấy chồng bên Hòn Tre là trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải, cách hai giờ đi tàu cao tốc. Cô em mười sáu tuổi cũng qua bên đó học cấp ba vì bên này không có trường, ngày nghỉ về nhà thăm cha mẹ.

Đề cập chuyện đời xưa, bà chủ nhà nói bà được nghe ông bà hồi trước kể rằng khi Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) bị nhà Tây Sơn đuổi chạy trên biển, có hai con rái cá bắt mồi bơi theo mạn dâng lên cho ông ăn để cầm hơi. Chạy mấy ngày mấy đêm thì ra đến hòn Sơn, Nguyễn Ánh cho cập đảo lên trú lại để tìm nước ngọt và lương thực. Rồi khi nhà Tây Sơn cho thủy binh lùng bắt, Nguyễn Ánh cho giấu thuyền vào khe núi rồi trốn trên đó. Từ hẻm núi trông xuống, thấy rái cá bò lên bãi tới lui để xóa dấu chân người. Thuyền Tây Sơn cập bãi tìm không ra dấu vết của Nguyễn Ánh nên bỏ đi. Từ tích đó, người ta kêu đảo này là hòn Sơn Rái.

Bà kể thêm chuyện Nguyễn Ánh dong buồm đi tiếp ra khơi xa mấy ngày mấy đêm thì tới hòn Củ Tron cũng thuộc quần đảo Nam Du, chọn điểm đóng quân ở một bãi cát trắng, sau được gọi là bãi Ngự, tức nơi vua từng ở.

Trò chuyện hồi lâu rồi tôi nằm lăn ra sàn nhà mà ngủ, chỉ với chiếc gối và một tấm chăn mỏng chứ chẳng màn chiếu gì bởi ngoài này không có muỗi như trong đất liền. Ngày thì nắng nhưng đêm rất mát, không cần phải dùng quạt máy hay điều hòa. Mà có dùng thì cũng rất hạn chế vì không có điện lưới, nhà ai cũng sử dụng máy phát điện, đặt ngoài ghềnh đá cho khỏi ồn rồi câu dây vào nhà xa cả trăm mét, chủ yếu để thắp sáng, đến chừng giữa khuya thì tắt.

Buổi sáng, dùng điểm tâm xong tưởng được đi ghe khám phá các hòn đảo lân cận như lịch trình thì bất chợt trời mưa lớn nên đành phải hủy mà rất tiếc. Đến mười giờ phải bắt tàu vận tải Hòa Hợp đi vào lại đất liền vì cuối tuần cháy vé tàu cao tốc. Tàu ra khơi một chặng thì cặp lại các nhà bè trên biển để đóng thêm hàng, những thùng cá bớp, cá mú khổng lồ được cả chục thanh niên lực lưỡng khỏe mạnh kéo lên mạn chuyển vào hầm đông lạnh đảm bảo độ tươi cho hải sản. Hàng hóa này được các đầu nậu trong bờ chờ sẵn bốc lên xe chuyển ngay lên Sài Gòn bỏ mối cho các chủ vựa trên đó, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.

Mất sáu giờ đồng hồ, tức là hơn gấp hai lần đi tàu cao tốc thì tàu vào đến gần bờ, tôi và những hành khách khác lại phải sang qua một chiếc ghe nhỏ đã được thuyền viên điện báo trước ra đón vào trả ở bến Rạch Sỏi, kết thúc một cuộc đi hết sức thú vị và sảng khoái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối